Hiện nay, tại các vùng biển ven bờ miền Trung Việt Nam, nghề nuôi trồng rong nho biển và rong sụn rất phát triển, đem lại sinh kế bền vững cho người dân ven biển cũng như nguồn giá trị xuất khẩu lớn. Do đó việc tiến hành thử nghiệm trồng và phát triển nhân rộng mô hình nuôi trồng rong nho biển và rong sụn tại các đảo xa bờ như Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo… là thực sự cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, qua hai năm triển khai thực hiện từ 2018-2019, đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, mã số KC.09.05/16-20, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển”, mã số: KC.09/16-20 do ThS. Đỗ Anh Duy làm chủ nhiệm đã triển khai thực hiện và xây dựng mô hình mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận.

Từ ngày 28/02-01/3/2020, đoàn công tác tổ chuyên gia thẩm định sản phẩm Bộ KH&CN gồm các chuyên gia về lĩnh vực biển, hải đảo và đại diện Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, BCN chương trình KC.09/16-20 đã đi kiểm tra thực địa, đánh giá thẩm định sản phẩm của nhiệm vụ là mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, quy mô 10 ô lồng nuôi, tổng khối lượng thu hoạch đạt 11.480 kg tươi, khoảng 1.276 kg rong khô (vượt yêu cầu). Ngoài kiểm tra sản phẩm về mô hình nuôi rong sụn, đoàn kiểm tra còn tiến hành xem xét đánh giá về số lượng và chất lượng các sản phẩm khác của nhiệm vụ, các sản phẩm đều đạt yêu cầu.

Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác tổ chuyên gia, thẩm định đánh giá sản phẩm đề tài kết luận: Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo thuyết minh đề cương và hợp đồng ký kết; các sản phẩm đủ về số lượng, khối lượng; Chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu khoa học, có tính logic và có đầy đủ các minh chứng kèm theo. Một số vấn đề chưa rõ, đoàn kiểm tra đề nghị nhóm thực hiện luận giải rõ hơn và tiếp thu các góp ý của tổ chuyên gia, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện báo cáo trước khi tiến hành nghiệm thu theo đúng quy định.

      

Hình ảnh mô hình nuôi rong sụn trong ô lồng lưới tại Phú Quý

Đoàn kiểm tra thảo luận, đánh giá sản phẩm    

Trần Thị Ngà