Toàn cảnh Hội thảo tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Tham dự Hội thảo có đại diện các đơn vị quản lý: Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN Nam Định); Sở NN&PTNT Nam Định; Chi cục Thủy sản Nam Định; đại diện các đơn vị phối hợp thực hiện đề tài: Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Công ty TNHH Thủy sản Minh Phú; đại diện Phòng Khoa học, Hợp tác quốc tế và Đào tạo, Viện nghiên cứu Hải sản và các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Cáy mật (Neosarmatium smithi) là loài đặc hữu phân bố trong hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy, có vai trò rất lớn về sinh thái và có giá trị kinh tế cao. Những năm gần đây, do hiện trạng khai thác quá mức trong các vùng rừng ngập mặn ven biển phía Bắc Việt Nam, vì vậy hiện nay chỉ còn bắt gặp loài này phân bố với mật độ rất thấp ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Để bảo tồn, khôi phục nguồn lợi, giảm nguy cơ xâm hại đến loài Cáy mật, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiệm vụ “Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài Cáy mật tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy phục vụ khai thác và bảo tồn”.

Đề tài được thực hiện với 4 mục tiêu: 1) Đánh giá được đặc điểm sinh học sinh sản, đặc điểm sinh thái chính của loài Cáy mật tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy; 2) Xác định được thực trạng nguồn lợi, các yếu tố sinh thái - khai thác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển quần thể Cáy mật ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy; 3) Thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo loài Cáy mật tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ; 4) Xây dựng được phương án bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi loài Cáy mật tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ.

Để đạt được mục tiêu đề ra, đề tài thực hiện 4 nội dung chính: 1) Đánh giá đặc điểm sinh học sinh sản, đặc điểm sinh thái chính, thực trạng nguồn lợi, các yếu tố sinh thái - khai thác và những tác động ảnh hưởng đến khả năng phục hồi quần thể loài Cáy mật ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy; 2) Thử nghiệm sản xuất nhân tạo giống loài Cáy mật và chuyển giao công nghệ cho cơ sở sản xuất giống, Ban quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy phục vụ công tác sản xuất và tái tạo nguồn lợi; 3) Thử nghiệm 2 mô hình bảo tồn nội vi phục hồi nguồn lợi loài Cáy mật tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (1 mô hình sử dụng nguồn giống nhân tạo và 1 mô hình duy trì các quần thể Cáy mật trong điều kiện tự nhiên); 4) Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi loài Cáy mật tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ.

Tại Hội thảo, Ban chủ nhiệm đề tài đã trình bày sơ lược về mục tiêu, nội dung, sản phẩm và phương án triển khai các nội dung công việc của đề tài. Ban chủ nhiệm đề tài đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp sát thực của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đơn vị phối hợp thực hiện đề tài để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai đề tài một cách hiệu quả nhất.

Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Nguyên đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để triển khai thực hiện các bước tiếp theo của đề tài một cách tốt nhất. Sau Hội thảo, các đại biểu cũng đã tiến hành đi thăm Vườn Quốc gia Xuân Thủy và có thêm những trao đổi, góp ý quý báu cho đề tài./.

Đỗ Anh Duy