Toàn cảnh Hội thảo

Tới dự Hội thảo có sự tham gia của các đại diện: Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III; Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển và nhiều doanh nghiệp về thủy sản như: Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát, Công ty TNHH Thủy sản Phát Tài, Công ty CP Khoa học Công nghệ Phú Lâm, Công ty CP Nuôi trồng và Chế biến thủy sản XNK Việt Nam (Vietfood), Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup). Hội thảo được tổ chức dưới hai hình thức: Trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting. Chủ trì Hội thảo: PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ NN&PTNT; TS. Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản; Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.

TS. Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản

phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học từ các Viện nghiên cứu Hải sản, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III; Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy sản giới thiệu về tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới điển hình đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất về các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác thủy sản, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Nhiều công nghệ thể hiện ưu điểm vượt trội mang lại hiệu quả cao đã và đang được áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận một số hạn chế, khó khăn vướng mắc hiện nay như: sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với thực tế sản xuất còn hạn chế; các kết quả của các đề tài nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu mà ít có điều kiện ứng dụng vào thực tế sản xuất để kiểm chứng và so sánh đánh giá; công tác chuyển giao công nghệ, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn chậm...

 Hội thảo đã nhận được nhiều góp ý, thảo luận và mong muốn những tiến bộ kỹ thuật ngày càng đến gần hơn với doanh nghiệp, người dân để tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Ông Hoàng Văn Hồng phát biểu tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục giới thiệu, tuyên truyền những mô hình khuyến nông thông qua tổ chức các hội nghị, tọa đàm để chuyển tải nội dung đến với các doanh nghiệp, địa phương. Để các quy trình công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, các Viện nghiên cứu cần mạnh dạn tìm tòi những nội dung nghiên cứu mới, liên quan đến xử lý môi trường, xử lý phế phụ phẩm như chế biến vỏ tôm thành mỹ phẩm, chế biến đầu/ ruột cá thành thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Hữu Ninh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh đã đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo cũng như sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu. Báo cáo tham luận tại Hội thảo đầy đủ, đa dạng và chất lượng. Hội thảo là cơ hội chia sẻ những kết quả nghiên cứu tới các địa phương để địa phương lựa chọn những công nghệ mới, công nghệ phù hợp. Thực trạng hiện nay cho thấy, sự gắn kết giữa các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất còn một số hạn chế; các nghiên cứu còn nhỏ lẻ, thiên về quy trình sản xuất giống, không theo chuỗi, và yếu nhất hiện nay là chế biến bảo quản, chưa tập trung vào nâng cao giá trị phế phụ phẩm. Do đó, thời gian tới, cần ưu tiên nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn sử dụng phế phụ phẩm, nâng cao giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm, tái sử dụng các nguồn thải từ nguồn nuôi trồng thủy sản để đem lại lợi ích cao hơn, đặc biệt là bảo vệ môi trường. Phát triển các sản phẩm an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn Vietgap, đạt tiêu chuẩn hữu cơ cũng là hướng nghiên cứu cần được quan tâm.

Tham quan mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chế biến nước mắm đạt chứng nhận OCOP tại huyện Cát Hải, Hải Phòng

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng đã đi tham quan mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chế biến nước mắm đạt chứng nhận OCOP tại huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và đánh giá cao kết quả đã đạt được của dự án./.

Vũ Thị Thu Hằng, Đặng Thị Minh Thu