Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Nguyên trình bày báo cáo tại Hội nghị

Tại Hội nghị TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện Trưởng đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động KHCN năm 2019 và triển khai kế hoạch công tác năm 2020 của Viện nghiên cứu Hải sản. Năm 2019 Viện nghiên cứu Hải sản triển khai 44 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 14 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 12 cấp bộ, 07 cấp tỉnh, 10 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và 01 nhiệm vụ hợp tác với tổng kinh phí khoảng 65 tỷ đồng. Ngoài ra, Viện và các đơn vị còn thực hiện 20 hợp đồng nghiên cứu, phân tích, tư vấn cho với các tổ chức trong và ngoài nước với tổng kinh phí khoảng 3,8 tỷ đồng.

Trong số này, chỉ có 8 nhiệm vụ mở mới năm 2019, số còn lại (35 nhiệm vụ) là những nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm trước.

Trong năm 2019 đã đề xuất thêm 9 nhiệm vụ mới được ký hợp đồng và triển khai ngay trong năm 2019 (02 cấp Nhà nước; 05 cấp Bộ; 02 cấp tỉnh/Thành phố) và đề xuất 07 nhiệm vụ đã thẩm định thuyết minh để đưa vào thực hiện năm 2020: (04 cấp bộ, 02 cấp tỉnh, 01 nhiệm vụ HTQT).

Về bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá

- Kết quả dự án I.8 đã cập nhập và đánh giá thông tin sinh học cơ bản của các loài , đặc biệt là các dữ liệu về mùa vụ sinh sản và kích thước sinh sản lần đầu. 

- Kết quả dự án I.9 đã thu thập được nguồn dữ liệu đáng tin cậy về thành phần loài, thành phần sản lượng và ngư trường khai thác của các đội tàu lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề chụp và nghề vó mành.

- Kết quả của đề tài nghiên cứu quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái đã xác định vùng biển Việt Nam gồm 15 phân vùng sinh thái (15 đơn vị sinh thái) và 3 phân vùng quản lý nghề cá phù hợp với đặc điểm đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam.

Về đa dạng sinh học và bảo tồn biển

    Đã xây dựng và phát triển được 02 mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế đạt hiệu quả cao ở các đảo tiền tiêu: 1) Mô hình nuôi trồng rong nho biển (Caulerpa lentillifera) trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; và 2) Mô hình nuôi trồng rong sụn (Kappaphycus alvarezii) trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

      Về dự báo ngư trường

- Đã xác định được mối quan hệ giữa các cấu trúc hải dương quy mô vừa và nhỏ với sự tập trung cá nổi nhỏ trong biến động theo chu kỳ của các yếu tố môi trường. Trên cơ sở đó đã xây dựng được mô hình thích ứng sinh thái (HSI) vào dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ ở biển Việt Nam; Cập nhật số liệu sổ nhật ký khai thác, thông tin khai thác hải sản phục vụ kịp thời cho công tác đánh giá trữ lượng nguồn lợi và dự báo ngư trường khai thác hải sản ở biển Việt Nam.

- Các bản tin dự báo ngư trường khai thác hạn mùa, hạn tháng, hạn tuần và một số yếu tố hải dương (nhiệt độ tầng mặt, dòng chảy...) được chuyển tải ngày càng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Về quan trắc và cảnh báo môi trường biển

Cung cấp số liệu môi trường vùng biển Đông Tây Nam Bộ, biển Côn Sơn cho mạng trạm quan trắc môi trường quốc gia,  các số liệu môi trường vùng nuôi cá biển bằng lồng bè phục vụ cho ngành thủy sản, địa phương Cát Bà – Hải Phòng, Vĩnh Tân – Bình Thuận, Long Sơn – Vũng Tàu có thông tin trong thực tiển chỉ đạo sản xuất thủy sản; Cung cấp kết quả nghiên cứu môi trường, xác định các nguyên nhân gây ra hiện tượng cá biển nuôi chết hàng loạt tại Long Sơn – Vũng Tàu tháng 6/2019 giúp UBND thành phố Vũng Tàu, Sở NN&PTNT và Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giải quyết sự việc.

Về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản góp phần phát triển nghề khai thác hải sản và kinh tế-xã hội nghề cá

- Các kết quả về xây dựng các TCVN về ngư cụ khai thác hải sản, gồm: lưới rê đơn, lưới kéo đôi tầng đáy, lồng bẫy nhằm đưa vào ứng dụng trong thực tế sản xuất nhằm phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng bền vững.

- Kết quả nghiên cứu ứng dụng đèn LED cho tàu lưới chụp khai thác mực đại dương có nhiều ưu điểm vượt trội so với đèn Metal Halide như: Năng suất khai thác và sản lượng tăng hơn 1,36 lần; giảm mức chịu tải cho máy phát điện, từ đó tăng tuổi thọ cho máy.

-  Đã ứng dụng và chuyển giao thành công 01 mô hình lắp đặt hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp khai thác hải sản xa bờ ở Nghệ An, giúp giảm số lượng lao động, tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập cho lao động và chủ tàu, đặc biệt an toàn hơn rất nhiều so với tời cơ ma sát truyền thống.

- Đã nghiên cứu thành công máy thu lưới thủy lực cho tàu lưới rê tầng đáy tại Quảng Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy máy có nhiều ưu điểm nổi bật hơn so với tời cơ hiện ngư dân đang sử dụng

Về công nghệ sinh học biển

Kết quả nhiệm vụ hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm vi tảo biển tươi phục vụ sản xuất giống thủy sản: Quy trình nuôi tảo Nannochloropsis oculata bằng hệ thống túi treo PE có độ ổn định cao, đạt quy mô 20 khối và dễ dàng tăng quy mô lên toàn diện tích 350 m2 (tương đương 35-40 khối), với năng suất thu hoạch tảo tươi dạng sệt đạt từ 8-10 kg tảo dạng sệt/m3, khả năng thu hoạch liên tục 20-30 kg/ngày đảm bảo chất lượng để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Đã hoàn thiện các điều kiện thủy phân phụ phẩm cá tra, quy mô 500kg nguyên liệu/mẻ tại doanh nghiệp. Sưu tập 03 chủng vi sinh vật sản sinh lysine.

Đã xây dựng dự thảo tiêu chuẩn cơ sở nguyên liệu moi và cá nục, đảm bảo các tiêu chí nguyên liệu lựa chọn phục vụ tạo bột đạm thủy phân cho sản xuất bột nêm dinh dưỡng.

         Về công nghệ Sau thu hoạch

Lần đầu tiên xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá tổn thất chất lượng sản phẩm trên tàu khai thác cho 11 loài;

Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất surimi và các sản phẩm chế biến từ mực đại dương, giải quyết được các nhược điểm vị chát và độ cứng của nguyên liệu, nâng cao giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cho nguồn nguyên liệu này, mở ra hướng mới trong giải quyết vấn đề tồn đọng, được mùa mất giá của nguyên liệu mực đại dương ở các tỉnh Miền Trung;

Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào bảo quản sản phẩm thủy sản ngày càng được chú trọng phục vụ sản xuất trên biển: Quy trình bảo quản cá ngừ đại dương bằng đá sệt trên tàu thử nghiệm giảm tổn thất về chất lượng sản phẩm trên 30% và giảm 4,7% tổn thất về số lượng so với bảo quản bằng nước đá. Ứng dụng công nghệ Nano UFB để bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay tiết kiệm được 50% lượng nước đá mang theo, lợi nhuận cao hơn 60% so với bảo quản bằng nước đá thông thường, với tổng vốn đầu tư công nghệ khoảng 120 triệu đồng/tàu, thời gian hoàn vốn khoảng 8 tháng. Đã triển khai nhân rộng thêm 07 tàu mô hình, đưa tổng số tàu đã triển khai áp dụng công nghệ mới là 09 tàu. Ứng dụng công nghệ xử lý, bảo quản mực ống quy mô pilot tăng thời gian bảo quản mực ống lên 25 ngày, giá trị mực ống tăng lên trên 20% so với phương pháp bảo quản truyền thống của ngư dân.

         Về nuôi biển

- Đã làm chủ được quy trình nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ trong bể xi măng và trên bãi triều ven biển. Xây dựng thành công mô hình sản xuất giống bào ngư chín lỗ tại Cô Tô. Đã đào tạo, chuyển giao được công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ cho người dân làm nghề nuôi trồng hải sản trong phạm vị tỉnh Quảng Ninh và một số vùng lân cận.

Về công tác quản lý KHCN

Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc theo quy chế quản lý khoa học công nghệ theo các bước thực hiện của nhiệm vụ.

+100% các nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2019 tổ chức hội thảo triển khai xin ý kiến chuyên gia về kế hoạch thực hiện, phương pháp tiến hành;

+ Các nhiệm vụ được theo dõi, quản lý kế hoạch thực hiện các nội dung, điều chỉnh nội dung thực hiện, gia hạn thời gian triển khai của các nhiệm vụ KHCN;

+ Các nhiệm vụ được theo dõi, quản lý và tư vấn để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đảm bảo tính chặt chẽ về mặt hành chính cũng như chất lượng khoa học;

+ Các nhiệm vụ thường xuyên được đôn đốc các nhiệm vụ hoàn thành công tác triển khai, nghiệm thu năm, nghiệm thu cấp cơ sở và nghiệm thu cấp quản lý;

+ Viện phối hợp chặt chẽ với Bộ KHCN, Bộ NN&PTNT, TCTS, Sở KHCN các tỉnh để quản lý các nhiệm vụ, đảm bảo các nhiệm vụ thực hiện theo đúng nội dung đã ký kết.

+ Viện thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên và không thường xuyên 2 đợt/năm: Đợt 1 (tháng 6/2019) kiểm tra 19/25 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 76%.

Công tác nghiệm thu nhiệm vụ KHCN tuân thủ chặt chẽ theo Thông tư hướng dẫn quản lý nhiệm vụ KHCN các cấp.

          Về công tác, thông tin, xuất bản

     - Đã đăng tải 81 bài báo các công trình nghiên cứu trên các tạp chí trong và ngoài nước (11 bài quốc tế và 70 bài trong nước). - Đã đăng tải 153 tin bài thông tin hoạt động KHCN của các đề tài/dự án, cung cấp và cập nhật thông tin về cơ cấu tổ chức, đội ngũ trên Website Viện.

- Xử lý thông tin, hoàn thành công tác biên soạn và phát hành  04 số ấn phẩm Khoa học Công nghệ và nghề cá biển (1 số/quý) với số lượng 450 cuốn. Các ấn phẩm được gửi tới các sở KHCN, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục thủy sản của 28 tỉnh ven biển.

- Công tác lưu trữ công bố kết quả nhiệm vụ KHCN về các đề tài dự án tuân thủ theo hướng dẫn và được báo cáo hàng năm về Bộ NN&PTNT và Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia thuộc Bộ Khoa học và công nghệ. Cập nhật báo cáo nhiệm vụ sau khi kết thúc vào thư viện.

- Tổng điểm công trình khoa học của toàn Viện đạt 645,24 điểm (93 cán bộ nghiên cứu), trung bình đạt 6,9 điểm/người, thấp hơn so với năm 2018 (tổng 668,93 điểm/96 cán bộ nghiên cứu, TB đạt 6,97 điểm).

- Đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội thảo toạ đàm xây dựng đề án Công nghệ sinh học đến 2030.

           Về công tác hợp tác quốc tế

- Tham gia hội thảo nhóm chuyên gia kỹ thuật Việt Nam – Trung Quốc, góp phần vào việc cung cấp thông tin khoa học cho việc đàm phán giải pháp điều chỉnh cường lực khai thác trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ.

- Hợp tác với WCPFC quản lý nguồn lợi cá ngừ đại dương và đánh giá rủi ro sinh thái của nghề khai thác cá ngừ đại dương đến các đối tượng khai thác không chủ ý.

- Tham gia xây dựng bản kế hoạch quản lý nghề khai thác cá ngừ sọc dưa ở vùng biển Việt Nam theo tiêu chuẩn chứng nhận MSC với vai trò và thành viên của Hiệp hội cá ngừ (Vinatuna).

- Cùng với Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP và Tổ chức bảo tồn thiên thế giới - WWF xây dựng kế hoạch điều tra thường niên điều tra nguồn lợi ghẹ xanh theo tiêu chuẩn MSC.

- Thông qua chương trình hợp tác với Trung tâm Khoa học Môi trường, Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản (Cefas,Vương quốc Anh

- Hội thảo, tập huấn hợp tác bảo tồn biển và phát triển nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam - Trung Quốc

- Hợp tác với chuyên gia của trường Đại học Greenwich – Vương quốc Anh tổ chức tập huấn về phương pháp thu mẫu, xây dựng các chỉ tiêu của mô hình đánh giá tổn thất sau thu hoạch.

- Hợp tác với công ty NICHIMO Co. Ltd, Tokyo Japan để đề xuất dự án đầu tư tàu nghiên cứu cho Viện nghiên cứu Hải sản.

- Năm 2019, Viện có 14 đoàn công tác nước ngoài với 15 cán bộ được cử đi công tác, đã đón tiếp 7 đoàn khách nước ngoài đến làm việc tại viện. So với năm 2018 số lượng đoàn công tác nước ngoài thấp hơn (18 đoàn ra, 26 lượt cán bộ)

 Về công tác đào tạo

   Công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo tiến sĩ của Viện thực hiện theo khóa học, năm học và theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT. Năm 2019, không tuyển sinh được nghiên cứu sinh do các ứng viên không đáp ứng được yêu về trình độ ngoại ngữ đầu vào,  

Đã tổ chức đánh giá Luận án cấp cơ sở cho 01 nghiên cứu sinh và tổ chức chấm chuyên đề Tiến sĩ cho 5 NCS.

Công tác đào tạo tiến sĩ tại hội đồng đào tạo Viện nhìn chung tiến độ còn chậm do các nghiên cứu sinh còn thiếu điều kiện bảo vệ tiến sĩ (chủ yếu là tiếng Anh).

Toàn cảnh Hội nghị

        Tại Hội nghị, Viện trưởng Nguyễn Khắc Bát nhận định năm 2019 về cơ bản Viện đã ổn định được công việc cho cán bộ nghiên cứu để triển khai thực hiện. Mặc dù khối lượng công việc rất lớn, nhưng tập thể Viện đã luôn sát cánh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Viện đã có những bước tiến mới, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những bước chuyển biến mạnh áp sát yêu cầu của Bộ; có những đột phá đáp ứng nhu cầu quản lý hiện đại. Viện trưởng đánh giá cao mọi sự cố gắng của toàn bộ tập thể và chúc cho Viện năm 2019 sẽ thành công hơn nữa.

Vũ Thị Thu Hằng