Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị

Các Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020 gồm 7 Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, với 257 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai bởi hơn 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành đến từ 155 đơn vị chủ trì, hàng trăm tổ chức trong và ngoài nước phối hợp nghiên cứu với tổng kinh phí 2.145 tỷ đồng (ngân sách nhà nước là 1.533 tỷ đồng). Các Chương trình khoa học và công nghệ đã tạo ra 103 loại thiết bị máy móc, 85 loại vật liệu, 31 dây truyền công nghệ, 69 mẫu, mô hình, 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ và những sản phẩm khác như giống cây trồng, chủng nấm… Ngoài ra, các nhiệm vụ còn xây dựng được 384 giải pháp, quy trình công nghệ, 90 cơ sở dữ liệu/bộ số liệu, 60 phần mềm các loại. Nhiều kết quả nghiên cứu của chương trình đã được ứng dụng vào thực tiễn để phát triển kinh tế - xã hội; nhiều kết quả có giá trị khoa học cao ngang tầm khu vực và quốc tế; góp phần tích cực cho đào tạo và phát triển nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước.

Trong kết quả này, Viện nghiên cứu Hải sản vinh dự được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Bằng khen với đề tài mã số KC.09.05/16-20: “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế xã hội” (thời gian thực hiện 2016-2019), chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Đỗ Văn Khương (11/2016-01/2018); ThS. Đỗ Anh Duy (01/2018-10/2019).

Một số kết quả nổi bật của đề tài:

1. Đã xác định được 375 loài rong biển thuộc 135 chi, 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong tại 10 đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam đại diện từ Bắc đến Nam. Đã phát hiện được 6 loài rong biển quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng; bổ sung 4 loài rong biển mới cho Danh mục các loài rong biển Việt Nam. Xây dựng được bộ bản đồ phân bố nguồn lợi; bộ bản đồ phân vùng khai thác, nuôi trồng phát triển nguồn lợi rong biển; khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu. Đánh giá được tiềm năng nguồn lợi rong biển về các mặt giá trị trực tiếp (tiềm năng nguồn nguyên liệu sản xuất keo rong biển, tiềm năng làm thực phẩm, tiềm năng về dược liệu, tiềm năng về nguồn nguyên liệu sinh học) và giá trị gián tiếp (khả năng xử lý môi trường hấp thụ khí CO2 của rong biển). Xây dựng các giải pháp định hướng phát triển và quản lý nguồn lợi rong biển ở các đảo tiền tiêu, góp phần định hướng quản lý, khai thác, bảo tồn, nuôi trồng, phát triển bền vững nguồn lợi rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Các giải pháp định hướng phát triển và quản lý nguồn lợi rong biển đã được một số cơ quan nghiên cứu, một số tỉnh áp dụng để quản lý đa dạng sinh học, quản lý khai thác và sử dụng bền vững nguồn lợi rong biển tại địa phương.

2. Đề tài cũng đã triển khai và xây dựng thành công hai mô hình nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu: 1) Mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn và 2) Mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý đạt hiệu quả kinh tế cao, đã góp phần chuyển giao công nghệ, phổ biến kỹ thuật, thúc đẩy nghề nuôi trồng rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, tạo thêm đối tượng nuôi mới cho người nuôi trồng thủy sản trên đảo, tạo thêm công ăn việc làm. Với việc triển khai xây dựng Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại địa phương, đến nay các mô hình này đã được nhân rộng ra một số đảo tiền tiêu trong cả nước, góp phần đưa khoa học gắn liền với sản xuất và đời sống, phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền của đất nước.

3. Lần đầu tiên Bộ Atlas các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu của Việt Nam được xây dựng, được Cục Bản quyền Tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả (theo Quyết định số 5996/2019/QTG ngày 02/10/2019 của Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả). Bộ Atlas đã mô tả rất chi tiết các đặc điểm về hình thái, sinh thái phân bố, đánh giá các giá trị sử dụng của 177 loài rong biển kinh tế thuộc 3 ngành: ngành rong Đỏ (Rhodophyta) 77 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) 36 loài; ngành rong Lục (Chlorophyta) 64 loài. Bộ Atlas các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu của Việt Nam có giá trị lớn về khoa học công nghệ, là tài liệu có giá trị tham khảo quan trọng đối với các nhà phân loại học trong nghiên cứu về rong biển. Góp phần khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các bộ Atlas các loài sinh vật biển khác trong thời gian tới. Góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và giáo dục cộng đồng về giá trị tài nguyên thiên nhiên biển Việt Nam, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

4. Về công trình công bố: Đề tài đã công bố tổng cộng 20 công trình nghiên cứu, trong đó công bố quốc tế 5 bài báo; công bố trong nước 15 bài báo. Đối với công bố quốc tế, có 3 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, 2 bài báo đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế uy tín. Đối với công bố trong nước, có 9 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc gia, 6 bài báo đăng kỷ yếu hội thảo trong nước. Ngoài ra, đề tài còn công bố 13 trình tự gen rong biển, được Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI) thuộc Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ cấp mã số trên ngân hàng gen quốc tế (GenBank).

5. Về đào tạo: Đã góp phần tham gia đào tạo 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ và 2 sinh viên đại học. Kết quả tham gia đào tạo của đề tài đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu rong biển trong nước.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tặng Bằng khen cho ThS. Đỗ Anh Duy, Viện nghiên cứu Hải sản

Bộ trưởng trao Bằng khen cho các chương trình và nhiệm vụ đạt kết quả xuất sắc

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chương trình, đề xuất những kiến nghị, định hướng (về nội dung và công tác tổ chức quản lý) cho chương trình cho giai đoạn tới.

Đây là những ý kiến đóng góp quý báu giúp Bộ Khoa học và Công nghệ có cơ sở xây dựng chương trình cho giai đoạn 2021-2025, đồng thời phục vụ cho việc xây dựng chiến lược về khoa học - công nghệ cho những năm tiếp theo.

Vũ Thị Thu Hằng