Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thành phần Hội đồng theo Quyết định số 117/QĐ-PVHS của Phân Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, gồm: 1) TS. Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản - Chủ tịch Hội đồng; 2) TS. Đặng Minh Dũng, Viện Nghiên cứu Hải sản - Phản biện 1; 3) ThS. Nguyễn Hữu Thanh, Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản Nam Bộ- Phản biện 2; Các Ủy viên: 4) TS. Mai Viết Văn, Trường Thuỷ sản Đại học Cần Thơ; 5) ThS. Châu Hữu Trị, Chi cục Thuỷ sản Bến Tre; 6) CN. Võ Trịnh Quốc Toàn, Phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại; 7) TS. Đỗ Anh Duy, Viện Nghiên cứu Hải sản - Thư ký; Các thành viên thực hiện đề tài, Lãnh đạo Phân Viện và các cán bộ viên chức và lao động thuộc Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam.

Toàn cảnh Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài tại Phân Viện

Đề tài được thực hiện với mục tiêu mục tiêu cụ thể là: “Xây dựng quy trình ương thuần dưỡng và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất: Giai đoạn ương thuần dưỡng: tỷ lệ sống đạt ≥ 90%, thời gian ương từ 30-45 ngày, hệ số thức ăn 1,3, chiều dài toàn thân khi thu hoạch từ 8-10 cm; Giai đoạn nuôi thương phẩm: tỷ lệ sống ≥ 80%, thời gian nuôi 12 tháng, hệ số thức ăn 2,0, khối lượng thân khi thu hoạch từ 1,0-1,2 kg/con; Đào tạo, tập huấn cho 60 học viên về kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm cá bông lau trong ao đất tại Bến Tre; Xây dựng sản phẩm OCOP 3 sao cho sản phẩm cá bông lau tươi sống (nguyên con) và sản phẩm khô cá bông lau một nắng”. Để đạt được các mục tiên trên đề tài đã tiến hành triển khai 4 nội dung: Nội dung 1: Điều tra khảo sát hiện trạng nguồn giống tự nhiên và cá bố mẹ, xác định vùng có tiềm năng ương và nuôi cá bông lau thương phẩm; Nội dung 2: Nghiên cứu cải tiến quy trình ương thuần dưỡng cá bông lau giống tại tỉnh Bến Tre; Nội dung 3: Nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi thương phẩm cá bông lau tại tỉnh Bến Tre; Nội dung 4: Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình và xây dựng chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ nhằm phát triển ổn định và bền vững nghề nuôi cá bông lau.

Sau 23 tháng triển khai, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung, sản phẩm và tiến độ theo thuyết minh đề cương và hợp đồng đã ký, hoàn thành mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Đã điều tra, khảo sát nghề khai thác cá bông lau giống gồm: nghề lưới đáy và nghề lưới te, mùa vụ khai thác từ tháng 9 đến tháng 12, ở vùng cửa sông ven biển. Nghề nuôi cá bông lau ở tỉnh Bến Tre chủ yếu sử dụng con giống có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, mùa vụ thả giống từ tháng 9-12 hàng năm. Thời gian nuôi trung bình 16,8-18,5 tháng, khối lượng khi thu hoạch 1,5 kg/con, tỷ lệ sống 36,1-63,7%, năng suất 7,8-12,9 tấn/ha/vụ và FCR 2,47-2,52 lần. Các yếu tố môi trường ao nuôi ở các khu vực được khảo sát, thuộc các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đều thích hợp cho sự phát triển của cá bông lau. Giai đoạn ương và thuần dưỡng mật độ ương tốt nhất là 20 con/m2, thời gian ương 35 ngày, kích cỡ con giống sau ương 8-10 cm, tỷ lệ sống 91,0%, FCR 1,2 và TSLN 30%. Giai đoạn nuôi thương phẩm mật độ nuôi tốt nhất từ 1-2 con/m2, thời gian nuôi 12 tháng, kích cỡ thu hoạch 1,0-1,2 kg, tỷ lệ sống 84,7-89,7%, năng suất 10,3-17,8 tấn/ha, FCR 1,96-2,02 lần, TSLN 12,9-14,6%. Chuỗi giá trị sản phẩm cá bông lau bao gồm 6 tác nhân chính tham gia: hộ nuôi, thương lái, cơ sở sơ chế, chợ đầu mối, người bán lẻ. Cá bông lau chủ yếu được tiêu thụ thị trường trong nước với 2 dạng chính là cá bông lau tươi (6,7%) và cá bông lau một nắng (93,3%), được phân phối ra thị trường chủ yếu qua người bán lẻ (81,3%) và chợ đầu mối (18,7%). Sản phẩm cá bông lau được định hướng đưa ra thị trường bao gồm sản phẩm cá bông lau một nắng và cá bông lau tươi nguyên con. Các sản phẩm cá bông lau một nắng và cá bông lau nguyên con đều đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài.

Với các kết quả đạt được của nhiệm vụ, Hội đồng đã ghi nhận và đánh giá Đạt. Để báo cáo tổng kết có chất lượng tốt hơn, TS. Nguyễn Viết Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu và chỉnh sửa theo các ý kiến kết luận của Hội đồng.

Nguyễn Thị Phương Thảo – Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam