Nhóm nghiên cứu cùng người dân tiếp cận hai cá voi ở vùng biển Bình Thạnh

(Nguồn: nhóm cứu hộ, tháng 7/2022)

Trong hai ngày 24 – 25/7/2022 tại khu vực bãi đá Bảy Màu với sự giúp đỡ của người dân, nhóm cứu hộ đã di chuyển bằng tàu ra ngoài biển, sau đó dùng mủng để tiếp cận gần cá voi và nghiên cứu về thành phần loài, tập tính bắt mồi, di chuyển của cá voi. Hai cá voi này thường di chuyển gần bờ 100 – 200m để săn bắt mồi. Nhóm cứu hộ cùng người dân cũng đã chuẩn bị sẵn phương án xua đuổi khi cá voi có hướng di chuyển vào gần bờ để tránh nguy cơ mắc cạn.

 

 Không gian bãi đá Bảy Màu có sự xuất hiện của 02 cá voi di chuyển gần bờ kiếm mồi

(Nguồn: nhóm cứu hộ, tháng 7/2022)

Chiều ngày 25/07/2022, hai cá voi đã trở về đại dương. Quá trình tiếp cận gần để nghiên cứu và hỗ trợ xua đuổi, giúp cá voi tránh mắc cạn của nhóm cứu hộ thú biển và người dân đã thành công tốt đẹp.

 Hai cá voi đang nổi lên mặt nước và tìm kiếm mồi ở vùng biển Bình Thạnh

(Nguồn: nhóm cứu hộ, tháng 7/2022)

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu hai ông cá voi này có thể là loài Cá voi thuộc giống Balaenoptera, họ cá voi lưng xám. Những loài này thường đi theo cặp và thức ăn ưa thích của chúng là các đàn cá cơm, cá trích.

Theo số liệu điều tra của nhiệm vụ cấp Bộ NN&PTNT về cứu hộ thú biển Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì (2021 – 2022), khu vực Miền Trung có lượng thú biển mắc cạn nhiều nhất, tiếp đó là Tây Nam Bộ, Vịnh Bắc Bộ và Đông Nam Bộ trong đó, cá voi và cá heo là hai đối tượng thú biển được bắt gặp nhiều nhất tại vùng biển nước ta. Những loài thú biển có kích thước nhỏ có tỷ lệ cứu hộ thành công cao hơn các loài có kích thước lớn. Ví dụ như loài cá heo Stenella longirostris, 80 – 90 % số lần mắc cạn của loài đều được giải cứu thành công và thả lại về biển, còn những loài khác có kích thước lớn hơn tỷ lệ giải cứu thành công và thả về biển là thấp. Ghi nhận đáng chú ý nhất về loài thú biển có kích thước lớn được giải cứu thành công là cá voi Balaenoptera edeni được giải cứu tại vùng biển Diễn Châu, Nghệ An (Năm 2016).

Cá voi bắt gặp ở vùng biển Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Khánh Hoà, Bình Định, Đà Nẵng, Kiên Giang…. Tuy nhiên, các loài này chủ yếu được bắt gặp trong tình trạng chết trôi dạt vào bờ hoặc mắc cạn ở vùng biển ven bờ. Một số trường hợp mắc cạn đã được cứu hộ thành công, còn lại hầu hết bị chết và mang lên bờ chôn cất theo nghi lễ địa phương. Kích cỡ các loài cá voi thường từ 1000 – 2000 kg, một số trường hợp cá voi nặng 5000 – 15.000 kg.

Bùi Minh Tuấn