Kính thưa các vị đại biểu!

Kính thưa toàn thể cán bộ viên chức Viện nghiên cứu Hải sản!

Cách đây đúng 56 năm, ngày 1/4/1959, trong một chuyến thăm và kiểm tra tình hình kinh tế- xã hội tại một số đảo thuộc vùng Đông Bắc, Hồ Chủ Tịch đã tới thăm đảo Cát Bà và dừng chân tại nhiều điểm như Bến Gót và cảng cá Cát Bà. Nghe tin Bác Hồ về thăm đảo, đồng bào khắp nơi trên đảo Cát Bà nô nức tụ họp tại cầu tầu Cát Bà để được tận mắt nhìn thấy và trò truyện với vị lãnh tụ của đất nước. Với chiến sỹ, Hồ Chủ Tịch nhắc nhở trách nhiệm đối với lợi ích tổ quốc và lợi ích dân rằng: “Tiền đồ của cá nhân không thể tách rời tiền đồ của tổ quốc, của nhân dân. Nếu muốn tách rời tiền đồ của nhân dân thì chỉ có cách nhảy xuống biển, như người thủy thủ rời khỏi con tầu”.

Thăm một xóm chài khi đoàn thuyền đi đánh cá đêm về vừa cập bến với đầy khoang cá, Hồ Chủ Tịch dừng lại giơ tay chào bà con rồi quay lại hỏi bí thư huyện ủy Cát Bà: Ở đây đã có thuyền lắp máy để đánh cá chưa? Bí thư Huyện ủy trả lời chưa có. Hồ Chủ tịch nói: “rồi đây phải đưa máy móc vào nghề cá. Đảng và Chính phủ sẽ giúp đỡ bà con sắm thêm thuyền lưới tốt hơn”(2)

Trước khi rời đảo, Bác Hồ căn dặn chung: “Miền Bắc nước ta đã giải phóng. Rừng vàng, biển bạc của ta, do dân ta làm chủ. Tất cả đồng bào phải thi đua tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm chỉ học tập, xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa tốt hơn… ”.

Lời dặn của Hồ Chủ Tịch đã được chính quyền và ngư dân ghi nhớ và thực hiện. Nơi Hồ Chủ Tịch đến thăm (cầu tầu Cát Bà ngày nay) đã trở thành di tích lịch sử trên đảo Cát Bà. Và câu nói “rừng vàng biển bạc của ta, do dân ta làm chủ” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc.

Sự kiện Hồ Chủ Tịch về thăm làng cá là sự kiện lịch sử quan trọng, thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Nhà Nước đối với nhân dân và chiến sỹ nơi đảo xa. Nó cho thấy ngay cả khi đất nước non trẻ còn bộn bề nỗi lo lớn, miền Bắc vừa bước ra khỏi cuộc chiến, miền Nam vẫn còn chia cắt, nhưng Hồ Chủ Tịch vẫn quan tâm vàtầm nhìn chiến lược về vai trò của hải đảo, của biển cả đối với kinh tế và an ninh chủ quyền quôc gia.

Để ghi nhớ sự kiện này, năm 1979, ngành Thủy sản đã chọn ngày 1/4 hàng năm để tổ chức “Ngày hội truyền thống Ngành thủy sản”. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định tổ chức ngày truyền thống ngành Thuỷ sản 1/4 hàng năm, để động viên và giáo dục tinh thần yêu ngành nghề trong cán bộ, công nhân viên và ngư dân ngành thuỷ sản.Kể từ đó, ngày 1/4 hàng năm Ngành Thủy sản đều tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống ngành và ngày này trở thành ngày hội không chỉ của nhân dân huyện đảo Cát Hải mà của cả ngành Thủy sản khắp cả nước.

Dẫu ra đời từ rất sớm, nghề cá Việt Nam cho đến những năm giữa thế kỷ 20 vẫn mang đậm dấu ấn của một loại hình hoạt động kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc, trình độ sản xuất còn lạc hậu, thủ công. Hoạt động nghề cá chỉ được xem như một nghề phụ trong sản xuất nông nghiệp(1).

Từ sau những năm 1950, đánh giá được vị trí ngày càng đáng kể và sự đóng góp mà nghề cá có thể mang lại cho nền kinh tế quốc dân, cùng với quá trình khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm phát triển nghề cá và hình thành các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đánh dấu một cách nhìn nhận mới đối với nghề cá. Từ đó, ngành Thuỷ sản đã dần hình thành và phát triển như một ngành kinh tế - kỹ thuật có vai trò và đóng góp ngày càng lớn cho đất nước.

Năm 1954 (ngay khi hòa bình lập lại ở miền Bắc) thành lập Vụ Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông Lâm.  Kinh tế thuỷ sản bắt đầu được chăm lo phát triển để manh nha một ngành kinh tế kỹ thuật. Đây là thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Trong thời kỳ này, với sự giúp đỡ của các nước XHCN, các tổ chức nghề cá công nghiệp như các tập đoàn đánh cá với đoàn tàu đánh cá Hạ Long, Việt - Đức, Việt - Trung, nhà máy cá hộp Hạ Long được hình thành. Đặc biệt, phong trào hợp tác hoá được triển khai rộng khắp trong nghề cá(1).

Năm 1960 thành lập Tổng Cục Thuỷ sản. Vì là giai đoạn đất nước có chiến tranh nên cán bộ và ngư dân ngành thuỷ sản hoạt động theo phương châm “vững tay lưới, chắc tay súng”, hăng hái thi đua lao động sản xuất với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển có công sức lớn của ngư dân.

Đến năm 1976 thành lập Bộ Hải sản. Trong giai đoạn khó khăn sau thống nhất này ngành thủy sản đống vai trò quan trọng trong đời sống và sản xuất, cung cấp nguồn đạm lớn từ thuỷ sản cho nhu cầu dinh dưỡng của nhân dân, trong bối cảnh nguồn cung thực phẩm rất hạn hẹp.

Đặc biệt, từ năm 1981, khi Bộ Hải sản được sắp xếp lại thành Bộ Thủy sản đã tạo ra những cột mốc mới của ngành thủy sản. Trong bối cảnh kinh tế đất nước đi xuống, sự ra đời của Công ty xuất nhập khẩu thuỷ sản Seaprodex Việt Nam là một bước đột phá. Công ty được Nhà nước cho phép áp dụng thử nghiệm cơ chế “tự cân đối, tự trạng trải” và đã tạo ra sự thay đổi đột biến, mang lại hiệu quả đặc biệt cao, trở thành hình mẫu cho đổi mới dựa vào xuất khẩu. Ngành thuỷ sản có thể được coi là một ngành đi tiên phong trong quá trình đổi mới, chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường. Việc áp dụng thành công cơ chế mới gắn sản xuất với thị trường đã tạo ra bước ngoặt quyết định cho sự phát triển của bản thân ngành kinh tế thuỷ sản, và mở đường cho sự tăng trưởng liên tục của ngành trong suốt gần 30 năm qua để đưa ngành thủy sản từ một ngành nhỏ lẻ thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước(1).

Đến nay, kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,72 tỷ USD (2015)và là một trong 5 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước (cùng với mặt hàng điện thoại, hàng dệt may, điện tử và dày dép).  Việt Nam hiện cũng là nước xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư trên thế giới. Con số xuất khẩu gần 7 tỷ USD hiện naylà những bước tiến nhảy vọt của ngành nếu so sánh với 10 năm trước 2005 (2,5 tỷ USD) và 20 năm trước 1995 (500 triệu USD).

Trong hoàn cảnh hiện nay, việc đảm bảo phát triển thủy sản trên biển không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn rất quan trọng về an ninh biển đảo. Sự xuất hiện của hơn 100 ngàn tàu đánh cá với hàng trăm ngàn ngư dân ngày đêm bám biển là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển.

Những dịp kỷ niệm ngày Hồ Chủ Tịch về thăm làng cá này cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những ý nghĩa của nghề cá và sự phát triển nghề cá đối với kinh tế và an ninh chủ quyền biển đảo.

Sự kiện Hồ Chủ Tịch về thăm làng cá cho thấy tầm nhìn của lãnh tụ về vai trò biển đảo, vai trò người dân trong kinh tế biển và bảo vệ an ninh biển đảo. Ngoài chuyến thăm lịch sử tới đảo Cát Bà, từ năm 1956 cho đến khi mất, Bác Hồ còn nhiều lần tới thăm các vùng biển đảo khác như Tuần Châu, Hòn Rồng, Cồn Cỏ, Vạn Hoa, Bạch Long Vĩ, Sầm Sơn....

Trong những chuyến thăm như vậy, Hồ Chủ Tịch đã nhắc nhở “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa thì kẻ gian sẽ vào cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển... Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc(3).

Đặc biệt, riêng đối với đảo Cô Tô, Hồ Chủ Tịch đã nhiều lần thăm đảo và đây là nơi đầu tiên và duy nhất được Bác Hồ đồng ý cho xây dựng tượng đài ngay khi mình còn sống. Tượng đài Hồ Chí Minh đưa tay chào, mắt hướng ra biển Đông là hình ảnh giàu ý nghĩa về chủ quyền.

Lời hứa tăng cường đầu tư cho thủy sản và lời nhắc nhở cần phải cơ khí hóa nghề cá vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh cần gấp rút hiện đại hóa nghề cá và cần gia tăng đầu tư cho thủy sản như hiện nay.

Kính thưa quý vị đại biểu

Với bề dày 55 năm,chúng ta tự hào rằng Viện nghiên cứu Hải sản là đơn vị tiên phong và nòng cốt về nghề cá biển. Lịch sử của Viện nghiên cứu Hải sảngắn chặt với lịch sử phát triển nghề cá Việt Nam. Kể từ khi thành lập, dù trong thời chiến hay thời bình, Viện bền bỉ thực hiện các nhiệm vụ trên biển, không chỉ nhiệm vụ nghiên cứu mà cả nhiệm vụ an ninh quốc phòng, vừa nghiên cứu vừa chiến đấu.

Ngay từ những ngày đầu sau khi thành lập (năm 1961), Trạm nghiên cứu Cá biển (tiền thân Viện Hải sản) được giao quản lý nhiều tàu, vừa làm nhiệm vụ nghiên cứu vừa đánh cá như tàu Việt Xô 14, Việt Xô 33, Việt Trung 108, Việt Đức 1, Việt Đức 2. Đây là thời kỳ phát triển khá mạnh của thủy sản miền Bắc với sự trợ giúp của các nước bạn. Nhưng khi chiến tranh trên biển nổ ra, nhiều tàu được trưng dụng làm nhiệm vụ quốc phòng. Một trong số đó là tàu đánh cá Việt Xô 33. Trên con tàu trang bị lưới rê và được các cán bộ của Trạm nghiên cứu Cá biển nhiều năm nghiên cứu về cá nổi này đã nhiều lần vận chuyển vũ khí vào Quảng Bình và các đảo phía Bắc. Trong một lần vận chuyển thành công 100 tấn vũ khí vào Quảng Bình để tiếp tế cho chiến trường miền Nam, khi tàu Việt Xô 33 quay ra với trọng trách kéo hai tàu của hải quân ta bị máy bay địch bắn hỏng ra Bắc để sửa chữa, đoàn tàu đã bị máy bay Mỹ tấn công. Sau hai giờ chiến đấu oanh liệt và bắn rơi một máy bay Mỹ, tàu đã chìm. Ba cán bộ đã hi sinh, 14 cán bộ còn lại bị thương, trôi dạt trên biển 1 ngày đêm mới được cứu vớt. Bản thân tàu Việt Xô 33 cùng hai tàu hải quân hiện vẫn còn nằm lại đâu đó ở đáy biển Ba Lạt(4).

Thời kỳ cao điểm của chiến tranh, năm 1968, hơn 20 cán bộ Viện lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Trong đó nhiều cán bộ đã hi sinh, nhiều người bị thương vẫn quay về tiếp tục công tác.

Sau chiến tranh, Viện tiếp tục phát triển ngày một lớn mạnh trên phạm vi cả nước, là nơi chủ yếu cung cấp các tư vấn khoa học cho ngành. Viện là lực lượng tiên phong và chủ yếu trong nghiên cứu nghề cá biển, nhất là các lĩnh vực trọng yếu như đánh giá nguồn lợi hải sản, công nghệ khai thác, nuôi trồng hải sản, chế biến hải sản.

Tiếp nối sự nghiệp của các thế hệ đi trước, mỗi cán bộ trẻ này nay đều mang trong mình niềm vinh dự, tự hào của một viện nghiên cứu giàu truyền thống. Các cán bộ của Viện vẫn ngày đêm lênh đênh trên biển để nghiên cứu, bám biển để nghiên cứu trong điều kiện thiếu thốn mọi bề.Hàng năm Viện có trung bình khoảng 6000 ngày người làm việc trên biển, tương đương khoảng 15 người thường trực ngày đêm trên biển. Có những cán bộ có thời gian trên biển nhiều hơn ở nhà.

Sự hiện diện của chúng ta trên biển cũng là những đóng góp rất cụ thể góp phần xác lập và thực thi chủ quyền trên biển. Trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng trên biển, cán bộ khoa hoc của Viện phải thường xuyên đối mặt với những đe dọa. Đã có những cán bộ khoa học bị uy hiếp, cướp bóc, thậm chí từng bị nước ngoài nổ súng vào mạn tàu. Nhưng chúng ta đã luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trên biển và đảm bảo an toàn tuyệt đối, chưa từng để xảy ra tai nạn đáng tiếc nào.

Truyền thống lịch sử của ngành, của Viện là động lực thúc đẩy toàn Viện ngày nay phải nỗ lực phấn đấu để tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm và tên tuổi mà các thế hệ đi trước đã gây dựng.

Trong những năm qua, Viện đã chủ động đổi mới để áp sát với nhu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng khoa học công nghệ trong nỗ lực chung nâng tầm Viện. Xu hướng đổi mới này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để phát triển Viện thành thành tổ chức KHCN có uy tín, xứng với lịch sử hào hùng.

Nhân dịp ôn lại truyền thống ngành, truyền thống Viện này, xin được trân trọng gửi lời tri ân tới các thế hệ tiền bối đã không mệt mỏi xây dựng truyền thống và thành tích để chúng ta kế thừa ngày nay. Xin kính chúc toàn thể cán bộ Viện và các vị đại biểu sức khoẻ và thành công và hãy hưởng trọn không khí kỷ niệm ngày truyền thống ngành của mình.

Xin cảm ơn!

  • Nguồn: Trung tâm Thông tin Thủy sản: http://www.fistenet.gov.vn/a-gioi-thieu/tong-quan/qua-trinh-phat-trien/
  • Nguồn: Những câu chuyện cảm động về Bác Hồ: http://www.bqllang.gov.vn/chu-tich-ho-chi-minh/tieu-su.html?id=2642:nhung-cau-chuyen-cam-dong-ve-bac-ho-ky-2
  • Theo “Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử”. NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, năm 2008.
  • Viện nghiên cứu Hải sản: 50 năm xây dựng và phát triển (1961-2011). Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2012.

  

                                                                                                                                    TS. Nguyễn Văn Nguyên

Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn Viện nghiên cứu Hải sản