Là một trong ba ngư trường lớn của cả nước, hàng năm Bình Thuận cung cấp hơn 200.000 tấn nguyên liệu thủy hải sản các loại phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thế nhưng hiện nay đáng báo động là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản, đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của ngành chế biến thủy sản.

Làm sạch từ “gốc”

Điều kiện sản xuất có vai trò quyết định trong việc tạo ra chất lượng sản phẩm, bao gồm địa điểm xây dựng, kết cấu công trình, bố trí mặt bằng, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống nước thải, phương tiện làm vệ sinh, khử trùng nhà xưởng, vệ sinh công nhân, các hóa chất sử dụng. Nếu không may một trong những yếu tố trên không đảm bảo an toàn vệ sinh, sẽ là tác nhân gây nhiễm vi khuẩn hoặc chất độc hại, đi ngược lại mục tiêu sản xuất của thực phẩm.

Chính vì thế mà Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong 2 năm 2006-2007 đã lấy chủ đề “ Đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm”- chủ đề hướng về “gốc” chứ không hướng về “ngọn” như những năm trước. Thế nhưng trên thực tế, không phải “gốc” nào cũng được đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng để cho ra “ngọn” tốt. Ngoài một số đơn vị kinh doanh chế biến thủy sản uy tín thực hiện đúng các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hầu hết các cơ sở sơ chế biến thủy sản hiện nay đều không đảm bảo vệ sinh. Trước hết cơ sở vật chất không đảm bảo như kết cấu nhà xưởng thô sơ, không có trần, nền láng xi măng nhiều chỗ nứt vỡ, đọng nước, dẫn đến khó làm sạch môi trường vệ sinh; địa điểm sản xuất nằm sâu trong khu dân cư không thuận lợi về giao thông, diện tích lại chật hẹp... Điều đó ít nhiều đã gây ảnh hưởng đến quá trình chế biến thực phẩm thủy sản. Bên cạnh đó phải giám sát chặt chẽ sức khỏe, trang phục bảo hộ lao động và thao tác của công nhân trong quá trình tham gia chế biến sản xuất thủy sản để đảm bảo cho sản phẩm sạch từ “ gốc”.

Nhưng “ngọn” cũng phải sạch

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư kinh phí để xây dựng những cơ sở sản xuất có điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở chế biến thủy sản phải tuân thủ đúng các quy định về quy trình sản xuất thực phẩm thủy sản. Dùng nước đá vệ sinh để đảm bảo nguyên liệu thủy sản, không sử dụng hóa chất độc hại hoặc chất không có nhãn mác, phụ gia, chất kháng sinh cấm sử dụng. Sử dụng nước sạch hoặc nước biển để rửa nguyên liệu. Nhưng qua kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm của Chi cục Quản lý Thủy sản, mặc dù đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng 6 tháng đầu năm 2007, vẫn còn nhiều cơ sở lén lút sử dụng hóa chất độc hại, kháng sinh cấm trong bảo quản, chế biến thủy sản hoặc ngâm chích tạp chất làm tăng trọng lượng nguyên liệu thủy sản. Chính vì vậy, độ tin cậy về chất lượng và tính an toàn vệ sinh của các sản phẩm thủy sản được sản xuất tại Bình Thuận có phần bị ảnh hưởng.

Để khôi phục niềm tin, lấy lại thương hiệu thủy sản Bình Thuận đã khó khăn gầy dựng lâu nay, các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản phải kiên quyết không thu mua nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất, kháng sinh cấm, hoặc thủy sản không rõ nguồn gốc. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản. Các cơ sở chế biến thủy hải sản trong khi thu mua nguyên liệu cần phải phối hợp chặt chẽ với các chủ tàu thuyền để có thể quản lý được đầu vào của nguồn nguyên liệu. Bên cạnh, các cơ quan chức năng, thanh tra chuyên ngành cần tăng cường kiểm tra xử lý mạnh các hoạt động vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ chung của mọi người dân, của các tầng lớp trong xã hội, tất cả đều phải tham gia cải thiện dần chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, khôi phục lại thương hiệu, vực dậy thị trường đang sắp sửa mất đi vì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản không đảm bảo.

Theo Bình Thuận, Việt Linh