Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, từ tháng 1-6/2023, đơn vị đã thực hiện 44 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp (21 nhiệm vụ chuyển tiếp, 23 nhiệm vụ mở mới). Về nghiên cứu cơ bản, Viện tập trung cao nghiên cứu dự báo nguồn lợi hải sản, dự báo ngư trường, đa dạng sinh học và bảo tồn biển.

Chỉ trong 6 tháng, Viện đã xây dựng 30 bản dự báo nghề câu cá ngừ đại dương, cá ngừ vằn, rê, vây, cá nổi nhỏ... Các bản dự báo ngư trường khai thác hải sản có độ tin cậy cao, được cung cấp kịp thời trên nhiều kênh thông tin, phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân.

Về nghiên cứu ứng dụng, Viện Nghiên cứu Hải sản đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch; công nghệ sinh học biển; sản xuất giống và nuôi biển…

Trong 6 tháng năm 2023, Viện đẩy mạnh việc đầu tư để tăng cường năng lực nghiên cứu thông qua dự án nâng cấp, cải tạo cở sở hạ tầng liên quan các lĩnh vực thủy sản.

Từ đầu năm đến nay, Viện có 3 công trình được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích, đã phát hành các ấn phẩm Khoa học Công nghệ Nghề cá biển chuyển tới cơ quan chức năng, ngư dân 28 địa phương ven biển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả mà Viện Nghiên cứu Hải sản đạt được từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: Đinh Mười.

Đồng thời, Viện đã đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong thực hiện nội dung ngăn ngừa, giảm thiểu và tái chế rác thải ngư cụ gây ô nhiễm môi trường ở các vùng biển nước ta.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Viện Nghiên cứu Hải sản sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đó là: Triển khai Chiến lược phát triển Viện Nghiên cứu Hải sản đến 2030 về công tác tổ chức; thực hiện các giải pháp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực (năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, tác phong lề lối làm việc chuyên nghiệp).

Tiếp tục quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ KH-CN các cấp hoàn thành nội dung nghiên cứu, sản phẩm giao nộp theo đúng tiến độ đăng ký; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản: “Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng các Viện lĩnh vực thủy sản”, “Khu thí nghiệm khoa học công nghệ Nghề cá biển” và duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam…

Đáng lưu ý, trong lĩnh vực nghiên cứu nguồn lợi hải sản, Viện Nghiên cứu Hải sản đã đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi, nguồn giống hải sản và các yếu tố môi trường cơ bản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Nghệ An, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tham quan bảo tàng trưng bày các loại hải sản tại Viện nghiên cứu Hải sản (đầu năm 2023). Ảnh: Đinh Mười.

Mặt khác, Viện cũng đã tổng hợp được hiện trạng dữ liệu hiện có về đa dạng sinh học, nguồn lợi và nguồn giống, các bãi đẻ, bãi giống hải sản ở vùng biển Kiên Giang và đang tiến hành điều tra, thu thập dữ liệu bổ sung về đa dạng sinh học, nguồn lợi, nguồn giống, bãi đẻ, bãi giống hải sản, các yếu tố môi trường cơ bản cũng như đánh giá hiện trạng khai thác hải sản và thu mẫu sinh học nghề cá tại cảng cá, bến cá.

Llĩnh vực quản lý nghề cá, đã rà soát, đánh giá và tư vấn cho Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm việc cấp, phân bổ hạn ngạch sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to cho các đội tàu làm các nghề lưới vây, lưới rê và nghề câu tại 10 tỉnh, thành: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Còn trong lĩnh vực đa dạng sinh học và bảo tồn biển, Viện đã tổng hợp xây dựng các tiêu chí lựa chọn loài san hô nuôi cấy phục hồi và khu vực thả rạn nhân tạo phục hồi san hô.

Bước đầu nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh thái loài rong câu chân vịt và thử nghiệm trồng phục hồi rong câu chân vịt bằng phương pháp cấy cố định trên nền đáy tự nhiên tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn, Quảng Ngãi.

 

Những công trình nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản có giá trị ứng dụng thực tế cao. Ảnh: Đinh Mười.

Đồng thời, đã hoàn thành dự thảo quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phục hồi san hô tại các vùng rạn bị suy thoái và quy trình kỹ thuật nuôi cấy phục hồi san hô trên rạn nhân tạo và thực nghiệm mô hình nuôi cấy phục hồi san hô tại các vùng rạn bị suy thoái tại vùng biển Hải Vân - Sơn Trà, Thừa Thiên - Huế.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực, kết quả đạt được của Viện Nghiên cứu Hải sản trong 6 tháng năm 2023.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Viện Nghiên cứu Hải sản là đơn vị có đội ngũ các nhà khoa học chất lượng cao. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng cần được phát huy trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu của Viện.

Đối với các đề tài nghiên cứu cần có sự chuyển biến thực chất, mang lại giá trị đối với doanh nghiệp, người dân. Đề tài nghiên cứu cần có sự phối hợp doanh nghiệp để nhanh chóng đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.

Thứ trưởng lưu ý lãnh đạo Viện cần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, luôn bám sát thị trường để đề xuất, thực hiện đề tài mang tính ứng dụng cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng, bảo đảm môi trường làm việc đối với cán bộ, công chức giúp họ yên tâm công tác, yêu nghề, say sưa với công việc nghiên cứu để từ đó phát huy, cống hiến tài năng, trí tuệ, góp phần xây dựng Viện ngày càng lớn mạnh.

"Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, tôi đánh giá rất cao những kết quả đạt được của Viện Nghiên cứu Hải sản thời gian qua. Những thành tựu đạt được rất trúng, rất đúng nhưng thời gian tới cần kiên quyết hơn, quyết liệt hơn, dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu.

Thời gian tới, trong chiến lược được phê duyệt phải xác định giải quyết được cái gì, cái gì lâu dài, phân chia nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, từ đó có sự phối hợp nhuẫn nhuyễn để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Đã đưa ra mục tiêu là phải bám đuổi, làm tốt rồi nhưng phải tốt hơn, phải chuyên sâu hơn, gắn với sản xuất hơn, phải có sản phẩm khoa học xuyên suốt hơn, tốt hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đinh Mười 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam