Ảnh minh họa 

Trong 06 tháng đầu năm 2019, các cơ quan thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với Ban thời sự Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới”.

Về công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT đã tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm chủ lực, tiêu dùng  nhiều nguy cơ cao: phát hiện 21/1723 mẫu thủy sản nuôi và thủy sản chế biến vi phạm chỉ tiêu ATTP (chiếm 1,21%) giảm so với 06 tháng đầu năm 2018 (1,7%). Trước tình hình nêu trên Bộ đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản, các Cục chuyên ngành tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, đặc biệt tại khâu buôn bán, lưu thông, sử dụng sản phẩm vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thẩm định, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Đến tháng 6/2019, các địa phương đã thực hiện thẩm định 1920 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, trong đó 1884 cơ sở được xếp loại A, B (chiếm 98%, giảm so với cùng kỳ năm 2018 (99%)).

Các đơn vị trong Ngành đã tích cực triển khai thanh, kiểm tra theo kế hoạch và chuyển mạnh sang thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản (thịt, rau, củ, quả, thủy sản...). Theo báo cáo của các Tổng Cục, Cục chuyên ngành và 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ đầu năm đến nay toàn Ngành nông nghiệp đã kiểm tra 23.198 cơ sở, xử phạt hành chính 1.412 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản (chiếm 5,7%), giảm so với 06 tháng đầu năm 2018 (6,3%)) với số tiền phạt hơn 9 tỷ đồng.

Về hoạt động kiểm soát xuất khẩu, các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực xử lý các vấn đề thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản sang Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út, Úc, Hàn Quốc, Braxin…; tiếp tục xử lý, giải quyết vướng mắc cho lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu nhằm duy trì thị trường và mở rộng danh sách doanh nghiệp được phép xuất khẩu: Hàn Quốc (từ 676 lên 693 cơ sở), Trung Quốc (từ 679 lên 701 cơ sở), EU (từ 540 lên 549 cơ sở)...; triển khai Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với sản phẩm sữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc thông qua việc tổ chức hội nghị phổ biến cho Chi cục thú y các tỉnh/thành phố và doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa...

Về tình hình các lô hàng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu bị cảnh báo/ trả về từ đầu năm đến nay đã có 115 lô hàng thực phẩm nguồn gốc động vật bị trả về do không đáp ứng về quy cách, chất lượng, kỹ thuật; 19 lô thủy sản xuất khẩu bị cảnh báo từ cơ quan thẩm quyền các nước có ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam (giảm 30 lô so với cùng kỳ năm 2018 (49 lô)).

Về công tác kiểm soát nhập khẩu, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu xử lý 552 vụ vi phạm với tổng số 145.611 con động vật; 38.264 kg động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; 4.796 quả trứng gia cầm và 30.000 dây hàu giống.

Nhìn chung, hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được hoàn thiện, phục vụ hiệu quả công tác quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và tạo môi trường thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.

NN