Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã quản lý nghề cá thông qua hạn ngạch khai thác, đặc biệt là các quốc gia có nghề cá phát triển và “đơn loài” như các nước Bắc Âu, Bắc Mỹ, và một số nghề cá của Hàn Quốc, Nhật Bản. Việc xây dựng hạn ngạch khai thác thường được tính theo từng loài và theo nghề. Bởi vậy, để cấp được hạn ngạch thì việc đánh giá nguồn lợi và thống kê sản lượng đánh bắt cũng nên được tiến hành theo từng loài và theo từng nghề khai thác khác nhau, để có thể tính được CPUE hoặc TAC cho các loài. Đây là một trong các khó khăn của nghề cá Việt Nam do đặc thù nghề cá đa loài và đa ngư cụ đánh bắt.

Tuy nhiên, tại các quốc gia có nghề cá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản thì việc cấp hạn ngạch khai thác và tính toán TAC cũng không được thực hiện cho tất cả các loài hoặc tất cả các nghề mà chỉ một số loài hoặc nghề chọn lọc. Ví dụ như tại Nhật Bản, để kiểm soát đầu ra của nghề cá, Nhật Bản áp dụng hệ thống tổng sản lượng tối đa cho phép (TAC) từ năm 1997. TACs đã được thiết lập cho 8 loài khai thác thương mại có giá trị kinh tế, chiếm 35% tổng sản lượng khai thác hàng năm, đó là cá thu đao (sanma/saury), cá minh thái Alaska (walleye pollock), cá thu Nhật (jack mackerel), cá trích, cá thu phía Nam, mực, cua tuyết và cá ngừ vây xanh phía Nam.

Đối với Hàn Quốc, từ những năm 1999, năm nghề cá phổ biến của Hàn Quốc là cá thu, các trích sardine, cá thu Nhật (horse mackerel), cá thu Tây Ban Nha và cua hoàng hậu (queen crab) đã được lựa chọn để thử nghiệm cơ chế quản lý theo TAC. Nguồn lợi của 5 loài trên cũng đã được Viện Nghiên cứu và Phát triển Thuỷ sản quốc gia (NFRDI) đánh giá thông qua phương pháp xác định ngưỡng khai thác an toàn sinh học (Allowable Biological Catch (ABC)). Việc hạn chế cường lực khai thác thông qua hệ thống cấp giấy phép khai thác đã trở công cụ quản lý nghề cá chủ yếu tại Hàn Quốc.

Với nghề cá đa loài như Việt Nam, việc đánh giá nguồn lợi và theo dõi sản lượng khai thác theo từng loài và từng nghề khá khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng ngư dân và các bên liên quan khác. Trước kia, mục tiêu về sản lượng khai thác của Việt Nam thường được xác định trong các Kế hoạch hoạt động hàng năm của ngành thủy sản, hoặc kế hoạch 5 năm, hoặc giai đoạn 10 năm (như trong các Quy hoạch tổng thể ngành thủy sản). Tuy nhiên, các mục tiêu đánh bắt này được xác định là con số tổng theo các vùng nước và theo địa giới hành chính, không phải là mục tiêu đánh bắt theo từng loài. Bởi vậy, không có cơ sở để cấp phép đánh bắt theo hạn ngạch cho các chủ tàu hoặc tổ chức cụ thể.

Tuy nhiên, theo quy định trong Luật Thủy sản 2017 thì việc đánh bắt sẽ được quản lý theo hạn ngạch theo loài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cấp hạn ngạch khai thác theo loài cho vùng khơi và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ cấp hạn ngạch đánh bắt theo loài cho vùng lộng và vùng ven bờ. Để việc cấp phép đánh bắt theo hạn ngạch theo loài nói trên được triển khai thì việc đánh giá nguồn lợi và theo dõi sản lượng khai thác theo từng loài phải được tiến hành và TAC cho từng loài cũng phải được tính toán. Trong bối cảnh nghề cá Việt Nam, việc thực hiện tính toán TAC và cấp hạn ngạch khai thác theo loài nên được tiến hành thử nghiệm với một số loài đã có một phần thông tin trữ lượng nguồn lợi và số liệu quan trắc sản lượng đánh bắt như nghề cá ngừ và cá cơm. Tuy nhiên, vẫn rất cần phải cập nhật lại và công bố chính thức số liệu về nguồn lợi theo loài của 2 đối tượng khai thác mục tiêu này.

Lệ Quyên (Bộ NN&PTNT)