Xuất khẩu thuyền viên là chương trình rất phù hợp với lao động ngư nghiệp ở nước ta.

Công việc của thuyền viên tàu cá đòi hỏi sức khỏe, khả năng chịu đựng. Nghề này đặc biệt phù hợp với ngư dân các tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình...).

Vẫn còn nhiều cơ hội

Năm 2004, Đài Loan ngưng tiếp nhận thuyền viên tàu cá Việt Nam do lao động bỏ trốn quá nhiều. Đây thực sự là một "cú sốc" bởi Đài Loan là thị trường lớn nhất, thu hút khoảng 40.000 thuyền viên/năm. Thế nhưng, cơ hội chưa phải đã đóng chặt. Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục có nhu cầu tiếp nhận mỗi năm hàng ngàn thuyền viên tàu cá từ VN.

Bắt đầu từ năm 1992, với khoảng 40 doanh nghiệp tham gia cung ứng, tới nay đã có trên 18.000 lượt thuyền viên đi làm việc trên các tàu đánh cá của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đây là loại hình công việc khá nặng nhọc, thu nhập ở mức trung bình: lương cơ bản theo hợp đồng của thuyền viên dao động từ 170-230 USD/tháng, có thể được hưởng thêm tiền năng suất, tiền thưởng, làm thêm giờ bình quân từ 100-150 USD/tháng.

Nếu so với những ngư dân làm việc trong nước, thì mức thu nhập đó là khá lý tưởng. Chính vì thế mà không ít lao động đã xin gia hạn từ 2 đến 3 lần sau khi hợp đồng kết thúc. Nhiều người đã thực sự đổi đời sau thời gian làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, quan hệ lao động trong loại hình công việc này khá phức tạp, người lao động dễ bị xâm hại thân thể, vi phạm quyền lợi, nếu không được trang bị kiến thức và khả năng tự vệ.

Có thể nói, xuất khẩu thuyền viên là chương trình rất phù hợp với lao động ngư nghiệp ở nước ta, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả khi lực lượng ngư dân nghèo đang chiếm một tỷ lệ rất cao. Riêng 10 tỉnh ven biển miền Trung mỗi năm có khoảng 3.000 ngư dân có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài.

Cần thay đổi cách tuyển chọn

Trên thực tế, nhu cầu thuê của các tàu đánh cá Hàn Quốc hiện nay là rất lớn, nhưng lại hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam. Có nhiều lý do, trong đó có phần vì sợ lao động Việt Nam tập trung trên một tàu sẽ dễ hình thành các nhóm gây mâu thuẫn với nhau, hoặc mâu thuẫn với các thuyền viên khác. Từ đó dẫn tới các hành vi bạo lực, gây mất ổn định, ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc chung. Bên cạnh đó, tình trạng lao động vô kỷ luật, bỏ trốn lên bờ cũng là điều rất đáng lo ngại.

Còn tại thị trường Nhật Bản, mặc dù chủ tàu khen lao động Việt Nam là khéo tay, cần cù, nhưng họ vẫn nhận xét một cách thiếu thiện cảm: không khiêm tốn học hỏi, ý thức kỷ luật kém, hay say xỉn và dễ bị kích động dẫn tới xô xát. Vì thế, họ vẫn giữ một thái độ thận trọng và dè dặt đối với thuyền viên Việt Nam.

Lãnh đạo Cục QLLĐNN cũng thừa nhận, chất lượng thuyền viên tàu cá chưa đáp ứng tốt yêu cầu mà thị trường tiếp nhận đặt ra. Vào năm 2002, chúng ta đã ồ ạt đưa lao động thuyền viên đi, rồi lại phải nhận lại phần lớn số đó trở về do hạn chế về ngoại ngữ, bị say sóng, ý thức kỷ luật thấp, dễ bị lôi kéo bỏ việc... Đặc biệt tỷ lệ lao động bỏ trốn ở mức rất cao: 6% ở Hàn Quốc và 9% ở Đài Loan. Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì không chỉ mất thị trường Đài Loan, mà cả thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ khó giữ được.

Chính vì vậy, việc đầu tiên mà các doanh nghiệp XKLĐ cần làm là đổi mới căn bản phương thức tuyển chọn lao động. Tuyển đúng đối tượng có nhu cầu thực sự và đạt các tiêu chuẩn về sức khỏe, tay nghề và tư cách đạo đức. Cần chấm dứt tình trạng tuyển lao động miền núi, thành phố, đồng bằng đi làm thuyền viên, vì đây là một công việc đặc thù, chỉ những ngư dân có thực tế đi biển, có kinh nghiệm mới đủ sức chịu đựng.

Số lượng lao động được chủ sử dụng nước ngoài "đặt hàng" đang có chiều hướng giảm sút. Nếu không kịp thời chứng tỏ được những cải thiện về chất lượng lao động, thì khả năng Việt Nam bị các đối thủ cạnh tranh như Philippines, Indonesia, Mianmar, Thái Lan... đánh bật ra khỏi thị trường không phải là điều quá xa xôi.

Việt Hùng (Nguồn vietlinh)