Ra khơi trong mùa mưa bão là nỗi ám ảnh của những ngư phủ ngày đêm lênh đênh trên mặt biển khơi. Bây giờ họ đang đối mặt với nỗi lo mới, đó là giá đầu vào tăng, trong khi đầu ra đứng yên. Nghịch lý này buộc nhiều chủ phương tiện nghĩ đến việc bỏ neo trong đất liền chờ giá.

Ngư dân sợ lỗ

Ông Dương Văn Nữ - chủ tàu BL 1259 TS đang neo đậu tại cửa biển Nhà Mát (thị xã Bạc Liêu) tránh bão - ngậm ngùi nói: "Tôi đi biển từ 16 tuổi, còn 3 tháng nữa là đúng 50 tuổi, nhưng chưa thấy năm nào mần ăn khó khăn như năm nay". Ông nhẩm tính, giá dầu diesel từ 8.600đ/lít tăng lên 10.200đ/lít, đã đẩy chi phí cho mỗi chuyến ra khơi ngắn ngày thêm 1 triệu đồng.

Đối với tàu đánh cá có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến ra khơi cần đến trên 1.000 lít dầu thì số tiền chi phí tăng thêm trên 1.600.000 đồng. Dầu tăng, nước đá cũng tăng theo, đầu năm 2007, mỗi cây nước đá (loại 50kg) 7.000đ/cây, bây giờ đã lên đến 10.000đ/cây.

Cùng neo đậu tại cửa biển này có trên 300 chiếc tàu dưới khoang đầy nước đá và dầu, nhưng hầu hết vẫn còn lưỡng lự chưa dám ra khơi. Không phải sợ mưa bão ngoài khơi, mà ngay tại trong bờ họ đang bị cơn "bão giá" hành hạ.

Ông Nguyễn Ngọc Giàu - chủ tàu BL 1588 TS - cho biết: "Dầu, nước đá tăng lên buộc chúng tôi phải trả, còn sản phẩm chúng tôi khai thác được là cá, tôm chẳng tăng thêm đồng nào. Ra khơi không khéo lỗ là cái chắc". Bản thân ông trong 5 chuyến ra khơi gần đây chỉ lời một chuyến 5 triệu đồng, 2 chuyến lỗ vốn, còn hai chuyến vừa mới ra khơi, chưa đánh bắt được gì thì có lệnh kêu gọi tàu thuyền vào bờ vì bão.

Ông Nguyễn Văn Hùng - chủ 6 chiếc tàu đánh cá tại Gành Hào, huyện Đông Hải - than thở: "Mỗi chuyến ra khơi, giá dầu tăng đã ăn mất của tôi trên 6 triệu đồng, trong khi giá các mặt hàng thuỷ sản không thấy tăng gì hết".

Ông cho biết, với giá xăng, dầu thả nổi như hiện nay, ông sẽ không dám ra khơi nữa, mặc cho số nợ do đóng mới phương tiện khai thác ở ngân hàng.

Chuyển hướng đầu tư đánh bắt xa bờ

Tại cửa biển Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, tuyệt nhiên không có một nhà máy nào thu mua mặt hàng cá biển. Những chiếc tàu khai thác về tự tìm chỗ tiêu thụ. Chuyến nào trúng thì vựa cá ép giá, chuyến nào thất kể như... thua.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có 10 nhà máy chế biến thuỷ sản, nhưng chỉ có 3 nhà máy thu mua mặt hàng cá biển một cách cầm chừng, còn lại chỉ mua tôm. Chính vì vậy, sản phẩm khai thác từ biển khó tiêu thụ tại đây.

Tại cửa biển Sông Đốc (Cà Mau) nhiều chủ phương tiện đánh bắt đã tính đến chuyện không ra khơi do chi phí quá cao, giá cá tôm lại thấp.

Bạc Liêu có 802 tàu công suất từ 50CV trở lên thường xuyên hoạt động ngoài biển. Mỗi lít dầu trả thêm 1.600đ đã ăn đứt của ngư dân trên 6 tỉ đồng cho mỗi lần ra khơi. Tỉnh Cà Mau có trên 1.000 tàu đánh bắt xa bờ và gần 5.000 tàu khai thác thuỷ sản gần bờ. Chi phí cho những chuyến ra khơi sẽ tăng thêm hàng chục tỉ đồng.

Chính phủ kêu gọi tiết kiệm xăng dầu bằng cách giảm chi phí vận chuyển, nhưng đối với những chiếc tàu đánh bắt thuỷ sản, không thể tắt máy thả trôi đến ngư trường khai thác. Đã đến lúc cần phải mạnh dạn chuyển đổi phương thức khai thác thuỷ sản, giảm bớt những phương tiện nhỏ, mạnh dạn đầu tư cho đánh bắt xa bờ; xoá dần tập quán khai thác biển theo kiểu "ăn xổi ở thì"; tìm ngư trường mới bằng những phương tiện khai thác hiện đại hơn. Có như thế, may ra ngư dân mới sống được trong cơn bão giá như hiện nay.

Nhật Hồ (Nguồn vasep)