Việc cấm không sử dụng dư lượng kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu không phải là mới với Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới. Vấn đề là làm sao giữ được tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời phải có biện pháp kiên quyết đồng bộ trong việc xử lý các cơ sở cố tình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thành tích đáng ghi nhận trong nhiều năm qua và nhất là trong sáu tháng đầu năm 2007 của ngành thủy sản Việt Nam là mặc dù gặp khá nhiều biến động về giá cả, thị trường, nguyên liệu song đến nay ngành vẫn giữ được 51 thị trường tiêu thụ truyền thống, trong đó nhiều thị trường có rào cản kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Canada,... đưa kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đạt 1.648 tỷ USD, trong đó EU và Hoa Kỳ chiếm 42,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Thủy sản đã trở thành một trong những ngành đầu tiên tham gia câu lạc bộ "tỷ USD" trong nhiều năm và là một trong những ngành tham gia xóa đói, giảm nghèo, tạo nên nhiều tỷ phú chân đất trong cả nước.

Cũng như nhiều ngành khác, thủy sản không chỉ có thuận lợi. Từ khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, không dưới chục lần ngành thủy sản phải đối phó với các rào cản kỹ thuật của các nước trên thế giới nhằm "cảnh báo" hoặc "hạn chế" kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 3-7, theo ông Trương Ðình Hòa, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Nhật Bản đang có những biện pháp mạnh đe dọa sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn hàng thủy sản công nghiệp nếu việc nhiễm dư lượng kháng sinh hóa chất không được cải thiện. Còn phía Nga sẽ thực hiện kiểm tra 24 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường này. Việt Nam mới thâm nhập thị trường Nga ba năm nhưng trong năm 2006, tốc độ xuất khẩu tăng 16 lần so với năm 2005. Nga trở thành thị trường chiếm 11,2% trong tổng kim ngạch 661 triệu USD từ xuất khẩu cá ba sa, cá tra của Việt Nam.

Lý do của việc cấm nhập khẩu là trong 6.000 lô hàng xuất khẩu sang Nhật Bản là còn 94 lô (chiếm 1,6%) bị cảnh cáo có các loại chất kháng sinh, hóa chất cấm bị sử dụng, khiến Nhật Bản kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu. Việc này tác động mạnh đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản chế biến trong cả nước.

Theo Tổng giám đốc Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (TP Hồ Chí Minh) Trần Thị Hòa Bình: "Các loại thực phẩm của Cầu Tre xuất khẩu vào Nhật Bản là sản phẩm phối chế cao cấp, sử dụng thủy sản và cả chục loại nguyên liệu khác nhau. Ðể đáp ứng yêu cầu kiểm tra, chúng tôi phải lấy mỗi loại nguyên liệu một mẫu riêng, có khi phải lấy cả chục mẫu cho mỗi lô hàng", như vậy vừa tăng chi phí, vừa mất thời gian chờ đợi tại các cảng của Nhật Bản. Trong nước công nhân phải tạm nghỉ việc chờ mẫu kiểm tra đạt mới sản xuất. Ông Nguyễn Ðức Tiến, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Bình Thuận (Thaimex) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, hàng của các công ty ở Bình Thuận nhiều lô bị trả về. Nhật Bản là thị trường chính của ngành thủy sản Bình Thuận, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu, cho nên thiệt hại là rất lớn".

Dư lượng kháng sinh trong hàng thủy sản xuất khẩu là vấn đề không mới, nhưng vì sao vẫn cứ tiếp diễn? Theo Chủ tịch Hiệp hội VASEP, đó chính là vấn đề nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của những người tham gia chuỗi xuất khẩu từ nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu, chưa cao. Chất lượng thủy sản được đánh giá theo kiểu "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Việc mua bán thuốc thú y thủy sản và thức ăn chăn nuôi thủy sản chưa được quy về một mối. Ở Ðồng Tháp, kiểm tra 30 mẫu thức ăn thủy sản thì có những mẫu không bảo đảm chất lượng

Ông Nguyễn Hoàng Huy, Chánh Thanh tra Sở Thủy sản An Giang, cho biết: "Mức phạt hiện nay quá thấp (3-5 triệu đồng/vụ vi phạm) trong khi lợi nhuận cao, cho nên các cửa hàng bán thuốc thú y và thức ăn thủy sản chưa thật sự tuân thủ". Theo ông Nguyễn Tư Cương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thú y, thủy sản (NAFIQUAVED): "Cả nước hiện có 470 doanh nghiệp chế biến thủy sản, nhưng vẫn có tới 154 doanh nghiệp (chiếm gần 33% số doanh nghiệp) chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu vệ sinh công nghiệp và thiếu đội ngũ thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn cho sản phẩm của cơ sở". Vì vậy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nhất là các tỉnh phía nam - nơi tập trung nguồn hàng thủy, hải sản lớn nhất nước cần phối hợp cũng như có biện pháp chế tài mạnh trong việc kiểm tra từ người nuôi, đại lý thu mua, thú y, cơ sở chế biến thức ăn gia súc, chủ tàu, phạt nặng đối với những vi phạm như kiên quyết rút giấy phép hành nghề của các cơ sở, cá nhân kinh doanh hóa chất kháng sinh thuộc danh mục cấm. Vì sự phát triển lâu dài, các doanh nghiệp cần kiểm tra chặt chẽ nguyên liệu từ khâu mua, vận chuyển, chế biến đến khi xuất khẩu theo đúng yêu cầu đối tác đặt ra. Mới đây, để gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 11-7, Bộ Thủy sản (cũ) đã quyết định cấm các doanh nghiệp có từ 2 đến 4 lô hàng bị cảnh báo sẽ không được phép xuất khẩu. Chỉ những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm của NAFIQUAVED mới được phép xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản. Ngày 4-8, NAFIQUAVED còn lên danh sách 56 doanh nghiệp không thuộc diện bắt buộc kiểm tra được phép xuất khẩu sang Nhật Bản.

Nhằm ổn định việc xuất khẩu thủy sản theo hướng bền vững, nhiều doanh nghiệp đang tìm biện pháp tháo gỡ. Công ty AGIFISH (An Giang) thực hiện mô hình nuôi cá tra, cá ba sa sạch trên 20 ha ở An Trạch Trung, Chợ Mới. Công ty CP chế biến thủy sản xuất khẩu Việt An đầu tư xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu sạch và dành 300.000 USD xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại chuyên kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào chế biến xuất khẩu. Một số doanh nghiệp ở Bình Thuận bắt đầu ký hợp đồng với các chủ tàu thuyền, chủ vựa cam kết cung cấp nguyên liệu hải sản sạch, không nhiễm kháng sinh bị cấm với giá thu mua cao. Công ty TNHH Hải Thuận (Bình Thuận ) tiến hành thử từng lô nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến, sau đó kiểm tra lại sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Bằng cách này mỗi tháng Hải Thuận xuất khẩu 60 tấn hàng bạch tuộc đông lạnh sang Nhật Bản (mặc dù chi phí tốn kém).

Trong khi các tỉnh phía nam có những doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì kết quả kiểm tra dư lượng các chất độc hại trong tôm thực hiện vào tháng 5-2007, tại các tỉnh miền trung từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh, cho thấy không mẫu tôm nào có dư chất kháng sinh cũng như dư lượng hóa chất. Giám đốc Trung tâm Chất lượng - An toàn vệ sinh thú y, thủy sản vùng 2 (Ðà Nẵng) cho biết nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phân tích tác hại của dư lượng kháng sinh trong tôm thành phẩm, cho nên người nuôi tôm không cho tôm ăn các loại thức ăn có chứa kháng sinh. Doanh nghiệp thu mua, chế biến thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt cả đầu vào và đầu ra. Trung tâm Chất lượng - An toàn vệ sinh thú y, thủy sản vùng 2 thực hiện đúng quy trình tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiên quyết không cho xuất bất cứ lô hàng nào có dấu hiệu dư lượng kháng sinh.

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu và các tập đoàn phân phối nước ngoài, hàng thủy sản Việt Nam vẫn là một trong những mặt hàng được ưa chuộng trong bữa ăn của người tiêu dùng trên thế giới. Xu hướng nhập khẩu hàng thủy sản ngày càng lớn với yêu cầu cao về kiểm tra chất lượng. Vì vậy, như VASEP kiến nghị, cần phải xử lý an toàn thực phẩm thủy sản từ gốc. Việc quy hoạch thủy sản phải gắn với quy hoạch môi trường trong các hệ canh tác. Tập trung giải quyết vấn đề chất lượng nước, xử lý chất thải và quản lý dịch vụ tổng hợp từ thức ăn, con giống, nhà sản xuất thuốc và mua bán kinh doanh thuốc trị bệnh.

Bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi trồng thủy sản là vấn đề cực kỳ quan trọng cần được giải quyết từ vấn đề quy hoạch sản xuất, phương thức canh tác gắn liền với tiêu thụ. Trong đó cần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, như bảo đảm cung ứng 100% nhu cầu giống chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với các vùng sinh thái cho các đối tượng nuôi trồng chủ lực... và vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Cần bắt buộc hoặc xử phạt nặng các cơ sở, chủ trang trại, doanh nghiệp vi phạm... buộc họ triệt để tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường, bảo đảm sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên nhằm phát triển mạnh và bền vững ngành thủy sản Việt Nam.

BĂNG CHÂU (Theo vietlinh)