Dư lượng kháng sinh hóa chất cấm dùng trong thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành vấn đề nan giải không chỉ của ngành thủy sản, thương mại mà liên quan đến hàng trăm doanh nghiệp và các hộ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy, hải sản. Trong bốn thị trường mà hàng thủy sản xuất khẩu bị "chặn" bởi rào cản kỹ thuật, Nga và Nhật Bản là hai thị trường lớn, có nguy cơ bị cấm xuất.

Thông báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, vì có thêm 14 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào Nhật Bản tiếp tục bị phát hiện sản phẩm nhiễm dư lượng kháng sinh cấm nên Nhật Bản chính thức áp dụng biện pháp kiểm tra 100% các lô hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Mặc dù dư lượng kháng sinh trong thủy sản giảm từ 4,6% cuối năm 2006 xuống còn 1,6% trong 6 tháng đầu năm 2007 nhưng vì tiếp tục vi phạm nên phía Nhật Bản phải xem xét biện pháp cấm nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Nếu chúng ta không có những biện pháp giảm thiểu dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm thì thủy sản đứng trước nguy cơ mất thị trường chiếm 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta mỗi năm. Trong những tháng đầu năm 2007, con số này còn 17% và khả năng sẽ còn giảm tiếp.

Ðối với thị trường Nga, trong 6 tháng đầu năm 2007, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu được hơn 21 nghìn tấn thủy sản. Mặt hàng chính là cá tra có chất lượng thấp, giá trung bình là hai đôla một kg, chỉ bằng một nửa so với xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Từ cuối tháng 4-2007, qua các đợt kiểm tra việc nuôi trồng, chế biến, các kho, chợ thủy sản của Việt Nam, Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga đã chính thức có văn bản yêu cầu chỉ có các doanh nghiệp được Nga chấp thuận về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm mới được cấp phép xuất khẩu thủy sản vào Nga.

Theo số liệu của cơ quan quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thủy sản, cả nước có 470 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu thì vẫn còn tới 154 doanh nghiệp chiếm gần 33% số doanh nghiệp vệ sinh kém, thiếu cán bộ, nhân viên, thiết bị kiểm tra vệ sinh an toàn sản phẩm của cơ sở, đơn vị mình. Do đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phối hợp, có biện pháp kiên quyết trong việc kiểm tra nghiêm ngặt chủ tàu, người nuôi, đại lý thu mua, bán hóa chất, thuốc thú y, các cơ sở chế biến thức ăn chăn  nuôi và xử lý các cá nhân và cơ sở cố tình sử dụng kháng sinh cấm, như thu hồi giấy phép hành nghề cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh thủy sản, phạt thật nặng các cơ sở và cá nhân kinh doanh hóa chất kháng sinh thuộc danh mục cấm.

Qua nghiên cứu trong quá trình sản xuất và chế biến hàng thủy sản xuất khẩu, cho thấy việc tồn dư kháng sinh và hóa chất độc hại chủ yếu là do bảo quản nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi. Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần hết sức thận trọng và kiểm tra kỹ khi nhập khẩu nguyên liệu về chế biến. Với vùng nuôi và khai thác tự thân doanh nghiệp kiểm soát thật chặt từ khâu mua, vận chuyển, chế biến bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh và trước khi xuất khẩu các lô hàng phải tự kiểm tra nồng độ kháng sinh.

Theo ông Ngô Văn Nga, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu thủy sản Quốc Việt (Cà Mau) thì dư lượng kháng sinh trong hàng thủy sản xuất khẩu còn xuất phát từ các cơ sở cung cấp nguyên liệu tôm bóc nõn xuất hiện hàng loạt tại Cà Mau. Những cơ sở này vì chạy theo lợi nhuận, không chú ý đến yêu cầu vệ sinh như công nhân không mang găng tay, không đeo khẩu trang, nhà máy không có hệ thống nước thải. Khi thiếu nguyên liệu, các doanh nghiệp phải mua từ những cơ sở này là "ổ chứa" vi sinh và các chất kháng sinh. Vì vậy, cùng với việc hạn chế xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ về mất vệ sinh có hóa chất cấm cao, điều cần làm là tự thân doanh nghiệp làm tốt các khâu bảo quản, chế biến như công nhân trước khi vào ca phải đeo găng tay, đều được xem xét kỹ sức khỏe, không để tay bị đứt, trầy sước làm việc.

Bộ Thủy sản cũng như các địa phương cần phối hợp chấn chỉnh những cơ sở này tuân thủ quy định về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nếu không phải ngưng hoạt động...

Trong khi khu vực Nam Bộ có nhiều đơn vị, doanh nghiệp vi phạm thì ở khu vực miền trung việc bảo đảm vệ sinh an toàn thủy sản xuất khẩu nêu được kinh nghiệm và bài học có ý nghĩa, kết hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng  và người sản xuất, chế biến. Kết quả kiểm tra dư lượng các chất độc hại trong tôm được thực hiện vào tháng 5-2007 tại tất cả địa phương từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh, cho thấy không mẫu tôm nào có dư lượng kháng sinh cũng như dư lượng các chất độc hại khác.

Ông Ðinh Thành Phương, Giám đốc Trung tâm Chất lượng - An toàn vệ sinh thú y, thủy sản vùng 2 (Ðà Nẵng) cho biết, kết quả tốt đó là nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các địa phương với người nuôi tôm. Vì người nuôi tôm lường trước được hậu quả của việc dư lượng kháng sinh trong tôm thành phẩm nên không cho tôm ăn các loại thức ăn có chứa kháng sinh. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu tôm trên địa bàn cũng thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm tra đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Cuối cùng là Trung tâm Chất lượng - An toàn vệ sinh thú y, thủy sản vùng 2 cũng đã kiểm tra rất kỹ sản phẩm trước khi cho phép xuất khẩu.

Trước mắt cũng như lâu dài, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu, toàn diện nền kinh tế thế giới, hàng thủy sản xuất khẩu có yêu cầu lớn về số lượng và chất lượng. Thiết nghĩ, vệ sinh an toàn hàng thủy sản phải xử lý từ gốc. Theo đó cần thiết phải phát triển và ứng dụng đồng bộ công nghệ sinh học trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản.

Do điều kiện tự nhiên và tập quán của người dân, chúng ta phải sớm xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp công nghệ sinh học thủy sản vừa và nhỏ, phục vụ đắc lực cho các hoạt động nuôi trồng, phòng trị bệnh và chế biến thủy sản để bảo đảm cung cấp 100% nhu cầu giống chất lượng cao, sạch bệnh, phù hợp với các vùng sinh thái cho các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực. Trước mắt tập trung lực lượng cán bộ khoa học tăng cường nghiên cứu để nâng cao trình độ công nghệ sinh học thủy sản Việt Nam lên ngang tầm với các nước tiên tiến. Cần tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thủy sản, quan tâm khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, tăng cường tiềm lực cho công nghệ sinh học thủy sản về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

THUÝ HÀ (Theo www.nea.gov.vn)