Vài năm trở lại đây, việc khai thác thủy sản của bà con ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân, sau mỗi chuyến biển từ 15 - 17 ngày, trừ mọi chi phí cho lãi ròng từ 80 - 120 triệu đồng, số lượng tàu khai thác biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế những năm qua tăng đáng kể, từ 1.000 chiếc năm 2006 nay tăng lên 1.800 chiếc.

Đầy ắp niềm vui

Đến cảng cá Thuận An vào trung tuần tháng 1/2011, những ngày này thời tiết lạnh buốt nhưng chúng tôi đã chứng kiến tàu thuyền cập cảng với những khoang cá đầy ắp, niềm vui được lộ rõ trên khuôn mặt của các thuyền viên. Ngư dân Ngô Đức Toan, ở xã Phú Thuận (Phú Vang) bày tỏ: “Được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để đầu tư tàu thuyền, cải tiến trang thiết bị, vài năm trở lại đây, bà con tui đi biển rất thuận lợi, năng suất mang lại cũng cao gấp hai đến ba lần. Bình quân mỗi chuyến đi biển khoảng 15 ngày, thu khoảng 15 tấn cá các loại; trừ mọi chi phí cho lãi từ 100 - 120 triệu đồng”.

Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Ngạch, chủ tàu đánh bắt xa bờ TTH-1627-TS, ở xã Phú Thuận, vừa cân cá, vừa khoe: “Năm 2008, tui đầu tư kinh phí nâng cao ngư lưới cụ để đánh bắt cả hai nghề, vây rút chì và rê cản, nhờ vậy, chuyến nào đi biển về cũng trúng đậm. Sau mỗi chuyến đi biển thu từ 10 - 13 tấn cá ngừ, thu, chim... trừ mọi chi phí lãi ròng khoảng 80 triệu đồng. Với kết quả này, gia đình tui tích cực đi biển có thu nhập đóng thêm 1 chiếc tàu xa bờ có công suất 150 CV cho các con làm ăn”.

Nếu trước đây bà con chủ yếu sử dụng nghề vây rút chì khai thác các loại hải sản, như cá nục, cá bánh lái, cá khoai... giá trị kinh tế thấp, nay nhờ có thêm nghề rê cản nên đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, như cá ngừ đại dương, cá cờ, cá thu... Đồng thời, ngư dân biết kết hợp để nâng chiều cao và chiều dài lưới vây rút chì, kết hợp với việc sử dụng ánh sáng nên hiệu quả đánh bắt cao hơn. Nhiều ngư dân còn chú trọng đầu tư trang thiết bị dò tìm và xác định luồng cá để thuận lợi trong việc đánh bắt. Một năm có 2 vụ khai thác biển, trong đó vụ 1 gọi là vụ nam từ tháng 2 đến tháng 8, đánh bắt bằng nghề vây rút chì; vụ 2 gọi là vụ Bắc từ tháng 8 đến tháng 2, đánh bắt bằng nghề rê cản.

Các tàu còn phát triển thêm một số nghề khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao như rê mực nang, rê tôm, giã tôm, ghẹ chấm tập trung ở các xã Phú Diên, Vinh Thanh, thị trấn Thuận An. Nghề khai thác cá lạc ở xã Vinh Thanh nay phát triển thêm ở thị trấn Thuận An và Phú Hải. Năm 2010, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình thí điểm nghề lưới rê hỗn hợp ở hộ ông Ngô Đức Sử (Phú Thuận) để khai thác nghề cá đáy với kinh phí 224 triệu đồng; trong đó Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ 112 triệu đồng. Sau một tháng áp dụng mô hình này, gia đình ông Sử đánh bắt thủy sản đạt 50 tấn cá các loại, lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Không ngừng đầu tư tàu mới

Ông Trần Vẹn, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) cho biết: “Trước đây, gia đình tui có 2 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, công suất chỉ 90 CV nên không dám bám biển dài ngày, đánh bắt không mang lại hiệu quả. Cuối năm 2008, gia đình tui đầu tư thay máy mới có công suất 150 CV, với giá 170 triệu đồng. Từ khi mua máy mới đến nay, thời gian bám biển dài ngày, đánh bắt mang lại hiệu quả cao. Mỗi chuyến đi biển 20 ngày, đánh bắt từ 15 đến 20 tấn cá các loại, bán được 300 triệu đồng. Trừ chi phí nhiên liệu, công cho 8 thuyền viên, lãi ròng 100 triệu đồng. Làm ăn có hiệu quả, nên năm 2010, gia đình tui đóng mới 1 chiếc tàu có công suất 250 CV, có giá trị 1 tỷ đồng để bám biển dài ngày...”.

Tương tự, gia đình ông Ngô Đức Toan, ở Phú Thuận (Phú Vang), Nguyễn Thoại ở Lộc Trì (Phú Lộc) cũng đầu tư sắm mới tàu đánh bắt xa bờ để bám biển dài ngày, khai thác thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao và mong muốn góp sức mình vào việc bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Các tàu thuyền còn liên kết để tiêu thụ sản phẩm, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 chiếc tàu khai thác thủy sản kết hợp thu mua hải sản trên biển, tập trung ở các địa phương, như thị trấn Thuận An, Phú Thuận (Phú Vang); Lộc Trì, thị trấn Lăng Cô, thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc). Ông Nguyễn Thoại, nghiệp đoàn trưởng Nghiệp đoàn Khai thác và Dịch vụ vận chuyển tàu biển Đông Hải (Lộc Trì) cho biết: “Toàn xã có 40 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, công suất từ 74 đến 200 CV. Giúp nhau đánh bắt hiệu quả, thời gian qua, bà con ngư dân đã thành lập Nghiệp đoàn Khai thác và Dịch vụ vận chuyển tàu biển Đông Hải. Sau thời gian khai thác 10 - 15 ngày, các tàu thuyền luân phiên mỗi ngày có một chiếc tàu chở sản phẩm vào bờ tiêu thụ, đồng thời, đưa nhiên liệu và thực phẩm ra biển phục vụ cho các tàu còn lại đang hoạt động trên biển. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, nghiệp đoàn đã khai thác hơn 300 tấn thủy sản và dịch vụ vận chuyển 1.200 tấn thủy sản các loại; sản phẩm cung cấp cho thị trường luôn bảo đảm được chất lượng, bán với giá cao, tiết kiệm được nhiên liệu, tăng thời gian bám biển... Ngoài sản phẩm được chia, thu nhập bình quân của người lao động được tăng thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng”.

Ông Hoàng Ngọc Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, “Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân trên biển, với tầm nhìn xa về chiến lược biển của Chính phủ, từ nguồn ngân sách của địa phương, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh vừa cấp 6 bộ ICom, 84 máy trực canh cho bà con ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở ven biển và đầm phá. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh để tiếp tục hỗ trợ bà con ngư dân máy trực canh và ICom, nhằm tạo điều kiện giúp bà con yên tâm bám biển”.

Thanh Thuận