1. Mở Đầu

Để duy trì, tái tạo lại nguồn lợi hải sản nhằm phát triển nghề cá một cách bền vững thì việc cấp bách cần làm là điều chỉnh lại cơ cấu đội tàu đang hoạt động khai thác hải sản ở các vùng biển. Để giải quyết vấn đề này, cần thiết phải tiến hành các chuyến điều tra thu thập các số liệu về hiện trạng khai thác, tình hình kinh tế - xã hội nhằm xác định cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề khai thác, thành phần sản lượng và năng suất khai thác của các đội tàu, hiệu quả kinh tế, thu nhập, đời sống của người lao động ... phục vụ cho việc tính toán điều chỉnh số lượng tàu thuyền.

Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu và nghề nghiệp khai thác hải sản” được thực hiện nhằm đưa ra cơ sở khoa học phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu, nghề nghiệp khai thác cho từng vùng biển, tuyến biển.

Đề tài đã tiến hành điều tra, thu thập số liệu hiện trạng khai thác và tình hình kinh tế - xã hội theo 2 cấp: điều tra thứ cấp được tiến hành ở 28 tỉnh ven biển; điều tra sơ cấp được tiến hành ở 12 tỉnh trọng điểm nghề cá, để thu thập các thông tin nói trên. Bài viết này trình bày một số kết quả bước đầu tính toán xác định năng suất khai thác, tổng sản lượng khai thác của các đội tàu công suất <90cv đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển Tây Nam Bộ.

2. Tài liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Tài liệu sử dụng

- Sử dụng số liệu thống kê tàu thuyền của Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản.[1]

- Số liệu sổ theo dõi tàu ra vào cảng của các cơ quan kiểm soát biên phòng ven biển.[2]

- Số liệu phỏng vấn ngư dân tại các địa phương điều tra.

- Tài liệu hướng dẫn qui trình điều tra thu mẫu nghề cá của FAO.[3,4]

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp điều tra thực địa, nhóm công tác đã tiến hành thu mẫu ngẫu nhiên các đội tàu lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu cá, câu mực và một số nghề khác bằng cách điều tra, phỏng vấn trực tiếp các thuyền trưởng, chủ tàu, các hộ gia đình ngư dân tại các làng cá ven biển, các bến cá trọng điểm theo qui trình thu mẫu của FAO.[3,4]

Phân tích và xử lý số liệu

Việc phân tích, xử lý số liệu được thực hiện theo hướng dẫn của FAO. Các chỉ tiêu được tính toán như năng suất khai thác trung bình (CPUE, kg/ngày/tàu), hệ số hoạt động của tàu (BAC), tổng sản lượng khai thác (SL, tấn) được xác định theo phương pháp thống kê mô tả thông thường.

3. Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài viết này là những chỉ tiêu đánh giá hiện trạng hoạt động khai thác của các đội tàu, bao gồm: Số tàu tiềm năng tham gia đánh bắt, hệ số hoạt động của đội tàu, năng suất khai thác trung bình và tổng sản lượng khai thác.

Bảng 1. Các chỉ tiêu xác định tổng sản lượng khai thác của các đội tàu

Nhóm CS

Nghề

<20

20-<50

50-<90

F

A

BAC

CPUE

F

A

BAC

CPUE

F

A

BAC

CPUE

Lưới kéo

517

365

0,60

48

1.009

365

0,69

84

465

365

0,73

141

Lưới vây

22

365

-

-

38

365

0,52

1.138

29

365

0,50

1.193

Lưới rê

1.311

365

0,81

14

613

365

0,54

67

260

365

0,53

126

Câu vàng

367

365

0,87

16

448

365

0,71

84

145

365

0,75

133

Câu mực

149

365

0,57

98

56

365

0,46

155

25

365

0,46

187

Nghề khác

754

365

0,59

41

370

365

0,62

86

76

365

0,62

129

3.1. Số lượng tàu hoạt động khai thác (F)

Hình 1. Số lượng tàu thuyền phân theo nhóm công suất

Số lượng tàu công suất <90cv khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ là 6.654 chiếc, gồm các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu vàng, câu mực và một số nghề khác. Trong đó, nhóm công suất <20cv có 3.120 chiếc, chiếm 47%, nhóm công suất từ 20-<50cv có 2.534 chiếc, chiếm 38%; nhóm công suất từ 50-<90cv có 1.000 chiếc, chiếm 15% (Hình 1). Số lượng tàu ở nhóm công suất <20cv chiếm gần một nửa, 47%, và ít dần ở hai nhóm còn lại, 30% và 15%. Điều này phản ánh cụ thể nghề cá qui mô nhỏ của vùng Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Chi phí đầu tư thấp, lợi nhận không cao, nhưng phù hợp với khả năng vốn và tập quán lâu đời của ngư dân nghèo ven biển. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi nghiêm trọng ở vùng ven bờ.

3.2. Hệ số hoạt động (BAC)

Hệ số hoạt động của các đội tàu được xác định thông qua việc gọi điện thoại cho ngư dân, phỏng vấn trực tiếp ngư dân, và thu từ sổ theo dõi tàu ra vào cảng của các cơ quan biên phòng ven biển.

Hình 2. Số lượng tàu thuyền phân theo nhóm nghề khai thác

Từ hình 2, ta thấy hệ số hoạt động của các đội tàu tương đối cao. Trong 3 nhóm công suất thì nhóm tàu <20cv có hệ số hoạt động cao hơn các nhóm tàu còn lại, vì đây là nhóm tàu nhỏ, hoạt động sát bờ và đi về trong ngày nên tận dụng được thời gian khai thác nhiều hơn. Trừ những ngày sóng to, gió lớn phải nghỉ thì còn lại đội tàu này hoạt động được ở tất cả những ngày còn lại trong tháng. Các đội tàu công suất cao hơn phải mất thời gian nghỉ giữa hai chuyến biển nên hệ số hoạt động thấp hơn.

3.3. Năng suất khai thác (CPUE)

Năng suất khai thác được sử dụng như một chỉ số rất quan trọng nhằm đánh giá mức độ phong phú của nguồn lợi cũng như hiện trạng của nghề cá. Năng suất khai thác của các nghề, nhóm công suất được thể hiện ở hình 3, 4.

Hình 3. Năng suất khai thác theo nhóm nghề (kg/ngày/tàu)

Nghề lưới vây cho năng suất khai thác bình quân cao nhất, 1.116kg/ngày/tàu. Điều này cũng dễ hiểu vì nghề này sử dụng nhiều nhân lực hơn những nghề khác, sử dụng kết hợp chà và ánh sáng để khai thác các đàn cá nổi nên sản lượng cao. Tuy nhiên, do đặc điểm khai thác phải phụ thuộc vào tuần trăng nên hệ số hoạt động của nghề rất thấp, BAC = (0,50 ữ 0,52). Các nghề còn lại có năng suất rất thấp so với nghề lưới vây, từ 69 – 147kg/tàu/ngày.

Hình 4. Năng suất khai thác theo nhóm công suất (kg/ngày/tàu)

Do năng suất khai thác được tính theo kg/ngày/tàu nên hiển nhiên các đội tàu ở nhóm công suất càng cao thì năng suất khai thác càng cao. Năng suất khai thác của đội tàu 50-<90cv đạt 318kg/ngày/tàu. Nhóm công suất 20-<50cv cho năng suất khai thác bình quân 269kg/ngày/tàu. Đội tàu ở nhóm công suất <20cv có năng suất khai thác thấp nhất, chỉ đạt 43kg/ngày/tàu. Đội tàu này chủ yếu là tàu làm nghề lưới rê và một số nghề khai thác ven bờ khác. Tàu nhỏ, sức chở hạn chế, trang bị ngư cụ ít và thường là ngư cụ thô sơ nên khả năng khai thác kém.

3.4. Ước tính tổng sản lượng khai thác (SL)

Tổng sản lượng khai thác được ước tính cho từng đội tàu, nó phụ thuộc vào các chỉ tiêu F, A, BAC, CPUE đã được xác định ở trên. Các chỉ tiêu này là kết quả thu được từ quá trình điều tra, phân tích và xử lý số liệu (Bảng 1).

Bảng 2. Tổng sản lượng khai thác theo nhóm nghề và nhóm công suất (Đơn vị tính: tấn)

Nhóm CS
Nghề

<20

20-<50

50-<90

Tổng

Lưới kéo

5.435

21.346

17.470

44.250

Lưới vây

0

8.130

6.314

14.444

Lưới rê

5.426

8.095

6.388

19.910

Câu cá

1.865

9.752

5.284

16.901

Câu mực

3.038

1.458

785

5.282

Nghề khác

6.657

7.191

2.216

16.064

Tổng

22.421

55.973

38.457

116.851

Tổng sản lượng khai thác hải sản của các đội tàu công suất <90cv ở vùng biển Tây Nam Bộ ước tính khoảng 116.851 tấn. Trong đó tổng sản lượng khai thác của nghề lưới kéo cao nhất, chiếm 38% sản lượng khai thác của tất cả các đội tàu, do nghề này tập trung số lượng tàu chiếm 30%, hệ số hoạt động cao và năng suất khai thác cũng ở mức tương đối. Kế tiếp là sản lượng của nghề lưới rê, tuy có số lượng tàu nhiều nhất nhưng năng suất khai thác thấp nên tổng sản lượng chỉ chiếm khoảng 17%. Nghề câu cá và nghề khác có sản lượng xấp xỉ nhau đều chiếm 14% cho mỗi nghề. Nghề lưới vây tuy năng suất khai thác cao hơn nhiều lần so với các nghề khác nhưng tổng sản lượng lại thấp, chỉ chiếm 12% , do số lượng tàu làm nghề lưới vây (F) ít hơn các nghề khác rất nhiều. Tương tự như vậy, nghề câu mực cho tổng sản lượng thấp nhất, chiếm 5%, do số lượng tàu nghề câu mực ít nhất, chỉ có 3%, và hệ số hoạt động của nghề này cũng vào loại thấp ( có BAC vào khoảng 0,5).

Sản lượng khai thác tập trung chủ yếu ở đội tàu 20- <50cv, chiếm 48% tổng sản lượng. Sản lượng khai thác của đội tàu 50- <90cv chiếm tỉ lệ 33%. Sản lượng thấp nhất thuộc về đội tàu <20cv, tỉ lệ 19%.

4. Kết luận

- Tổng sản lượng khai thác của các đội tàu ước khoảng 116.851 tấn, trong đó sản lượng của nghề lưới kéo cao nhất so với các nghề khác, ước khoảng 44.250 tấn, chiếm 38%.

- Năng suất khai thác của các nghề khác nhau có sự chênh lệch rất lớn. Năng suất khai thác của nghề lưới vây cao hơn rất nhiều lần so với các nghề còn lại.

- Số lượng tàu thuyền phân bố phân bố không đồng đều ở các nhóm công suất, nhóm công suất càng nhỏ thì số lượng tàu lại tập trung nhiều, tỷ lệ số lượng tàu của 3 nhóm công suất từ thấp đến cao là 47%, 38%, 15%. số liệu này chứng tỏ sự gia tăng áp lực khai thác lên vùng nước ven bờ và nói lên hiện trạng nghề cá qui mô nhỏ của vùng Tây Nam Bộ.

Tài liệu tham khảo

1. Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản. Thống kê tàu thuyền cả nước.

2. Cơ quan kiểm soát biên phòng ven biển. Sổ theo dõi tàu ra vào cảng.

3. P. Sparre & S. C. Venema, 1992. Introduction to tropical fish stock assessment, Part I – manual, in FAO fisheries technical paper 306/1 Rev 1, Rome.

4. S. Constantine, 2002. Sample-Based Fishery Surveys - A Technical Handbook. Food and Agriculture Organization of the United Nations, Rome.

Phạn Văn Long
Phòng nghiên cứu công nghệ khai thác- Viện Nghiên cứu Hải sản