Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hoạt động khai thác thuỷ sản ở Quảng Ninh ngày càng gặp nhiều khó khăn do nguồn lợi ở các ngư trường truyền thống ven bờ suy giảm nhiều, nguồn lợi ở các ngư trường xa bờ diễn biến phức tạp không theo chu kỳ.

Một số loài cá nổi vẫn xuất hiện nhưng mật độ không cao, thời gian xuất hiện ngắn ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả khai thác. Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều và di chuyển không theo quy luật. Trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ thường xuất hiện những đợt gió mùa kéo dài, những cơn dông cục bộ gây ra gió mạnh, xoáy, rất nguy hiểm cho tàu đánh cá. Thời gian vừa qua do giá nhiên liệu (chủ yếu giá dầu) tăng cao, một số loại vật tư, ngư lưới cụ cũng tăng dẫn đến chi phí chuyến biển tăng nhiều chủ tàu khai thác hải sản bị lỗ phải dừng sản xuất, một số tàu thì hoạt động cầm chừng và một số chủ tàu đã phải bán tàu vì hoạt động không hiệu quả, thường xuyên bị lỗ. Ở tỉnh Quảng Ninh công nghệ khai thác vẫn còn lạc hậu, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật còn chậm, lực lượng khai thác ven bờ đông, trong khi đó việc phát triển các nghề đánh bắt xa bờ đòi hỏi vốn lớn nhưng khả năng đầu tư của ngư dân có hạn. Hiện nay do dư âm của việc đánh bắt xa bờ không hiệu quả, rủi ro cao trong khi nguồn lợi ngày càng cạn kiệt đã làm cho tâm lý ngại đóng tàu có công suất lớn để bổ sung phát triển đội tàu khai thác tuyến khơi của tỉnh đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Lực lượng khai thác chưa qua đào tạo nhiều, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính. Cơ sở hậu cần, dịch vụ các cơ sở bến cá, cảng cá, cơ khí sửa chữa, tàu hậu cần dịch vụ... cho khai thác thuỷ sản còn yếu và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chuẩn bị cho mùa khai thác năm 2011 các chủ tàu đang khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng sửa chữa tàu thuyền sau vụ cá Nam năm 2010. Ông Nguyễn Văn Khắc, xã Hạ Long (Vân Đồn) chủ tàu khai thác tuyến khơi làm nghề chài chụp mực cho biết: Tàu nhà tôi đang đỗ ở cảng Cái Rồng để sửa chữa, dự kiến trung tuần tháng 1-2011 sẽ ra khơi. Chúng tôi đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục chuẩn bị ra khơi. Tôi cũng đã liên hệ với một số tàu khai thác tuyến khơi trên địa bàn để liên kết thành tổ sản xuất hỗ trợ nhau trên biển. Hoạt động khai thác thuỷ sản năm nay được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn hơn vì vậy chúng tôi rất mong các cơ quan chuyên môn có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất dài ngày. Để đạt năng suất, sản lượng cao cho hoạt động khai thác thuỷ sản năm 2011, ngay từ cuối vụ cá Nam năm 2010, Sở NN&PTNT đã triển khai công tác phối hợp với các địa phương, tạo điều kiện cho ngư dân khai thác thuỷ sản chuẩn bị sản xuất tốt trên biển. Tổ chức các đội tàu khai thác thành các tổ, đội nhóm sản xuất để hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như trong phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Chuẩn bị tốt lực lượng tham gia khai thác, nhất là đội tàu tuyến lộng và tuyến khơi. Tăng cường thu thập các thông tin sản xuất thông qua các tổ, đội sản xuất, nắm bắt nguyện vọng của ngư dân, dự báo ngư trường, nguồn lợi tới các phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố và phổ biến cho ngư dân. Ngoài ra Sở đang đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng khu tránh trú gió, bão cho tàu thuyền nghề cá đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt như: Hoàn thiện đê chắn sóng cảng Cô Tô (huyện Cô Tô) và các khu neo đậu TP Móng Cái, huyện Hải Hà, Tiên Yên... Duy trì mạng thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho tàu thuyền nghề cá. Đặc biệt 39 tàu tham gia vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ đã được hướng dẫn cấp giấy phép, biển số đánh cá chung; tổ chức đăng ký, đăng kiểm, gia hạn cấp đổi giấy phép khai thác cho trên 5.000 tàu; tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ đóng mới theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ. Các đội tàu khai thác hải sản xa bờ như đội tàu chài chụp huyện Vân Đồn, Hải Hà, đội tàu câu khơi Tân An (Yên Hưng)... tiếp tục được trang bị hiện đại, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm khai thác cho ngư dân, thuyền trưởng, thuỷ thủ trên tàu để nâng cao năng suất khai thác. Công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất nghề khai thác hải sản được chú trọng và phát triển theo hướng chuyên sâu.

Ông Hà Vân Giang, Chi cục Phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Vụ cá Nam năm 2010 toàn tỉnh đã khai thác được 30.000 tấn thuỷ sản các loại, đây là vụ khai thác đạt sản lượng cao nhất từ trước đến nay. Thắng lợi của vụ này tạo tâm lý yên tâm cho ngư dân khi chuẩn bị cho mùa khai thác thuỷ sản năm 2011, nhất là trong vụ cá Bắc này phấn đấu đạt sản lượng khai thác 27.000 tấn. Hiện chúng tôi đang triển khai các giải pháp hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, đầu tư sản xuất. Huy động tối đa các tàu đủ điều kiện tham gia khai thác thuỷ sản; sắp xếp tổ chức lại khai thác thuỷ sản cho các đội tàu. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có điều kiện nhập khẩu tàu cá có công suất trên 400 CV phát triển đội tàu tuyến khơi của tỉnh. Tổ chức tập huấn nhân rộng các mô hình khai thác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả cho người dân. Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, quản lý tàu thuyền hoạt động nghề cá, làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn đảm bảo an toàn người và phương tiện khai thác hải sản. Đặc biệt quan tâm đội tàu tham gia khai thác trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, phát huy các nghề khai thác hiệu quả cao như: Nghề chài chụp kết hợp ánh sáng; nghề câu vàng; nghề lưới kéo; nghề lưới rê…

Ngọc Lan