UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) đầu tư gần 7 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án hệ thống thông tin và giám sát tàu cá trên biển. Dự án triển khai có tính ưu việt, góp phần cho ngành chức năng dễ dàng quản lý, giám sát, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tàu tuyền và ngư dân gặp nạn trên biển, nhất là những tàu đánh bắt xa bờ, nhằm hạn chế rủi ro... trong mùa biển mới.

Tính ưu việt của hệ thống

Hệ thống quản lý thông tin và giám sát tàu cá trên biển của Chi cục KT&BVNLTS là hệ thống tự động, sử dụng rất đơn giản. Thiết bị đầu tư cho dự án này gồm các phần: Phần Trung tâm điều hành trong bờ đặt tại Chi cục KT&BVNLTS 1 máy bộ đàm tầm xa có công suất lớn, 1 máy phát vô tuyến sóng ngắn và khuếch đại công suất 1.000 W, thiết bị điều khiển gọi chọn số (DSC) lắp ở trạm bờ, trụ anten và hệ thống chống sét trên trụ anten, 1 bộ máy vi tính có cài đặt phần mềm quản lý tàu cá. Phần gắn các thiết bị trên tàu cá của ngư dân, gồm: Máy Icom IC-M718, IC 710 kèm theo AT - 130; máy định vị, các thiết bị này có sẵn trên tàu cá của ngư dân; bộ chuyển đổi.

Theo Chi cục KT&BVNLTS hệ thống này có khả năng tự động báo vị trí của tàu về trung tâm (trạm bờ) quản lý, giúp cho tàu cá thu nhận các thông tin về dự báo thời tiết, khu vực sắp bão, thời gian bão... từ đất liền; đồng thời gửi các thông tin khẩn cấp khi tàu bị nạn, với toạ độ chính xác nơi tàu gặp nạn, tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Vị trí của các tàu cá còn được hiển thị trực quan trên nền bản đồ số, thông qua phần mềm quản lý. Các công cụ trợ giúp trên bản đồ số có thể xác định ngay các thông tin liên quan đến các tàu cá này bằng cách kích chuột máy tính vào các vị trí này; đồng thời có thể xác định ngay khoảng cách từ con tàu đó đến các vị trí xung quanh.

Hệ thống này có tính năng quan trọng, giúp cho việc tính toán đường đi và thời gian cần thiết để có thể tiếp cận với các con tàu bị nạn một cách nhanh nhất. Phạm vi liên lạc giữa trạm bờ và tàu cá trên biển là 50 km đối với sóng VHF và trên 2.000 km đối với sóng HF. Có thể khẳng định rằng hệ thống quản lý thông tin và giám sát tàu cá trên biển của Chi cục KT&BVNLTS Quảng Ngãi được xem là phương tiện liên lạc có đầy đủ tính năng nhất (bộ đàm tầm xa, radio, định vị, la bàn...).

Cấp thiết triển khai trong mùa biển mới

Ông Phùng Đình Toàn - Chi cục phó Chi cục KT&BVNLTS, cho biết: Tính ưu việt của hệ thống cấp thiết được triển khai trên cơ sở thực tế lâu nay, nhiều con tàu ở Quảng Ngãi đối mặt với bão tố và áp thấp nhiệt đới, làm cho bao gia đình ngư dân điêu đứng vì mất tài sản, vợ mất chồng, mẹ mất con. Trong khi công tác dự báo, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai trên biển của tỉnh hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Bất cập lớn nhất vẫn là hệ thống thông tin liên lạc giữa các lực lượng chức năng trên bờ, với hệ thống thông tin của ngư dân rất khó kết nối được với nhau.

Số lượng tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi lại hoạt động trên biển chiếm khá lớn vào khoảng 5.500 chiếc tàu đánh cá. Tuy các tàu hoạt động ở tuyến lộng và tuyến khơi đều có trang bị máy thông tin liên lạc, nhưng chủ yếu là máy bộ đàm tầm ngắn, có chức năng liên lạc giữa các tàu với nhau. Hiện nay chỉ có khoảng 800 tàu có trang bị máy bộ đàm thông tin tầm xa (chủ yếu là Icom 718). Phương thức liên lạc hiện nay giữa các tàu cá trên biển với bờ là thông qua các đài trực canh cộng đồng, việc liên lạc này do thuyền trưởng chủ động hoàn toàn và chỉ thực hiện được đối với tàu cá có trang bị máy bộ đàm tầm xa. Các máy này chưa được kết nối theo quy định chung, cơ bản chỉ liên lạc với gia đình và một số tàu cá với nhau.

Nhiều ngư dân chưa biết được tần số liên lạc cứu hộ, cứu nạn, cách thức thực hiện một cuộc gọi cấp cứu để yêu cầu được trợ giúp khi có sự cố trên biển. Còn về phía ngành chức năng, khi tàu ra biển, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản không thể kiểm soát được. Khi có áp thấp nhiệt đới, bão tố, cơ quan phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn không thể liên lạc trực tiếp với các thuyền trưởng và không kiểm đếm được số tàu còn ở trên biển. Sự bất cập này hàng năm đã có hàng chục vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên biển... Nhiều gia đình trắng tay, vợ chồng con cái chia ly trong nước mắt.

Chính vì vậy mà dự án được triển khai nhằm 3 mục tiêu chính: Quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phục vụ công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ ngư dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trước hết bằng nguồn vốn của dự án đầu tư giai đoạn đầu là 300 bộ giao tiếp và chuyển đổi kết nối giữa máy định vị và máy bộ đàm được lắp đặt trên 300 tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ các xã ven biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Tuy nhiên để ngư dân dễ dàng tiếp cận với hệ thống này, Chi cục sẽ tuyên truyền, vận động bà con thấy được lợi ích thiết thực của họ khi tham gia dự án; đồng thời tổ chức lắp đặt và tập huấn cho ngư dân sử dụng thành thạo các thiết bị thông tin liên lạc; quy định thời gian mở máy trong ngày để kết nối liên lạc và bắt buộc mở máy 24/24 giờ trong điều kiện có áp thấp nhiệt đới, bão lũ.

Thông qua hệ thống giám sát này, ngành chức năng còn xác định vùng biển đánh bắt của tàu cá để làm cơ sở xét hỗ trợ dầu cho tàu hoạt động ở vùng biển xa theo quy định hiện hành của Nhà nước... Đây là hệ thống có ý nghĩa thiết thực, chính quyền địa phương các vùng ven biển và ngư dân sớm đồng lòng để dự án triển khai nhanh chóng, nhằm góp phần cho con tàu an toàn khi vươn khơi xa.

MAI HẠ