Nghề câu mực đại dương ở Quảng Ngãi tuy mới xuất hiện từ những năm 1990 trở lại đây, nhưng phát triển khá nhanh. Ngư dân làm nghề này chủ yếu ở các xã vùng cửa biển Sa Cần. Họ chuyên đánh bắt các loại mực ống kích thước lớn sinh sống ở ngoài khơi, mang lại nguồn thu nhập khá…

Cách đây chừng hơn chục năm, khi nghề lưới chuồn khơi còn thịnh hành, ngư dân đã phát hiện có mực xà đến ăn cá chuồn mắc trong lưới, nên họ nghĩ đến phương pháp đánh bắt mực xà bằng cách dùng cá chuồn làm mồi câu và đã có kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc chở thúng chai đi câu mực xà còn rất manh mún, nhỏ lẻ. Vì tàu câu mực lúc ấy chỉ có công suất dưới 45CV, sức chở khoảng 8-10 thúng câu. Sau mỗi chuyến khai thác, phơi khô mực trên biển xong (khoảng 25 ngày), ngư dân chở về bán ở Đà Nẵng. Đến nay, nghề câu mực xà được ngư dân không ngừng cải tiến, nâng cấp tàu máy, ngư cụ và thiết bị. Kết cấu của tàu câu mực xà trông khá gồ ghề, khác với một số tàu hành nghề khai thác cá, phía trên mặt boong phải lắp ráp một dàn phơi mực gồm nhiều tầng, diện tích rộng hơn bản thân con tàu. Khi tàu trong bờ thì giàn được thu gọn lại, nhưng khi đang phơi mực trên biển thì chiều dài giàn phơi phải đến 25m, chiều rộng khoảng 10m, cao đến 4-5m. Trên boong còn chứa từ 20-27 thúng chai và mỗi chuyến biển phải kéo dài đến 70 ngày. Các tàu khai thác ở những ngư trường cách bờ hàng chục đến hàng trăm hải lý tuỳ theo mùa vụ. Việc câu mực được tiến hành vào ban đêm, với mỗi người một thúng, nên thường xuyên gặp nguy hiểm đến tính mạng khi có sóng to, gió lớn bất ngờ. Do đó trước khi trở thành thợ câu mực thì ngư dân phải phụ việc nấu cơm, xẻ mực đem phơi và ban đêm ngồi tập câu trên tàu mẹ (từ 1-2 năm), đến khi có được cảm giác an toàn với tất cả các loại thời tiết trên biển và biết xác định hướng gió, hướng nước, phương hướng... thì thợ câu mực mới an tâm làm việc một mình suốt đêm trên thúng chai giữa đại dương mênh mông sóng nước.

Tìm hiểu từ một số thợ câu mực ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) chúng tôi được biết, trước đây dân câu mực kinh nghiệm đánh bắt chưa nhiều, nên sản lượng đatï thấp. Song những năm gần đây, cánh thợ câu đã rút được nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn về đặc tính, nơi sinh sống của mực xà (thường ở các vùng biển có độ sâu từ 1.000- 1.500m), nên đã từng bước cải tiến phương pháp đánh bắt có thu nhập cao. Nổi bật là họ đã nghĩ ra cách dùng bóng đèn điện thắp sáng bằng bình ắc quy, bọc ngoài bằng ống nhựa có nhiều màu cho nước biển khỏi ngấm vào, rồi cho trôi lơ lửng trong nước biển (dưới đáy thúng chai). Khi mực bị hấp dẫn bởi ánh sáng lạ trong đêm, sẽ tập trung đến ăn mồi thì bị dính câu, nhiều lúc thợ câu còn bắt được con mực nặng 5-7 kg. Với những con mực này thợ câu phải xả hết ống cước và cố chèo thúng theo mực, để cho mực kiệt sức, rồi mới thu dây câu và dùng móc sắt kéo mực lên...Hiện nay đội tàu câu mực đại dương của tỉnh có khoảng 200 chiếc, với hơn 4 nghìn lao động, hàng năm khai thác khoảng 20 nghìn tấn mực tươi, tương đương trên 5.000 tấn mực khô. Nhờ đó đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân, góp phần tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thuỷ sản xuất khẩu. Tuy vậy nghề câu mực xà là nghề lao động vất vả, thường gặp nguy hiểm do thiên tai trên biển, nhất là những lúc thời tiết bất thường, đang đêm giông tố nổi lên; cá mập, cá heo lượn lờ bơi dưới thúng rất nguy hiểm đến tính mạng. Bình quân mỗi ngày thợ câu phải lao động liên tục từ 16-17 giờ, trong suốt thời gian 2-3 tháng liền trên biển, rất vất vả. Nhưng bù lại thu nhập bình quân của một thợ câu mực trong năm đạt khoảng từ 20- 25 triệu đồng (cao hơn một số nghề khác). Vài năm gần đây, các tàu câu mực đã trang bị máy thông tin tầm xa (ICOM), trang bị máy bộ đàm ngắm cho thợ câu; đồng thời thường xuyên liên lạc với đất liền và các tàu khác, nên phần nào giảm thiểu được những sự cố đáng tiếc xảy ra. Được biết, do lao động nghề câu mực thiếu, nên để thu hút được đủ thợ câu, các chủ tàu phải có vốn để đầu tư tàu to, máy lớn, trang bị máy thông tin, định vị... nên phải mất đến gần cả tỷ đồng/tàu. Riêng chi phí cho chuyến ra khơi (từ 2-3 tháng) cũng ngốn khoảng 120-150 triệu đồng (chưa kể chi phí riêng của mỗi thợ câu, khoảng 1,5- 2 triệu đồng/người/chuyến biển), nên việc phát triển nghề câu mực đại dương ở tỉnh ta chưa được rộng rãi. Ngoài ra, nhiều ngư dân hành nghề câu mực rất lo ngại khi hành nghề bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt nặng hoặc bị tàu lạ có trang bị vũ khí tấn công trấn áp, đánh người cướp mực, cướp trang thiết bị (bộ đàm, máy định vị...). Do đó việc tổ chức khai thác theo tổ để tương trợ, giúp đỡ nhau khi có sự cố hoặc hoạn nạn hiện đang là điều rất cần thiết.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, các ngành chức năng ở tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện để nghề câu mực đại dương phát triển. Cần quy định ngư dân khai thác theo tổ và buộc tàu câu mực phải được trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn; nên điều tra, đánh giá trữ lượng, sự phân bố mùa vụ xuất hiện của mực đại dương để có hướng dẫn ngư dân khai thác hợp lý. Mặt khác, nên tổ chức các cuộc hội thảo về ngư cụ khai thác mực đại dương như: câu mực bằng tay, câu bằng tời quay, rê mực, chụp mực... để tìm ra một những ngư cụ khai thác mực xà có năng suất cao thay thế cho nghề câu mực truyền thống bằng tay nặng nhọc, đầy nguy hiểm; đồng thời nghiên cứu phương pháp chế biến phù hợp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác, đem lại giá trị kinh tế cao.

Nguồn www.ficen.org.vn