Trong một thời gian dài, hệ sinh thái đầm Thị Nại bị hủy hoại nghiêm trọng do bàn tay của con người, khiến nguồn lợi thủy sản (NLTS) trong đầm ngày càng giảm sút và cạn kiệt. Trước thực trạng này, Sở Thủy sản tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại”. Sau 3 năm triển khai, dự án đã đem lại hiệu quả bước đầu, hệ sinh thái đầm Thị Nại đang dần được hồi phục.

* Hệ sinh thái vùng đầm bị tổn hại

Đầm Thị Nại có diện tích 5.060 ha, nằm ở vùng cửa sông đổ ra biển, có bãi triều rộng nên hệ sinh thái trong đầm khá phong phú và đa dạng. Trước đây, đầm Thị Nại có đến 1.000 ha rừng ngập mặn và 200 ha thảm cỏ biển, bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển của NLTS và duy trì sự ổn định về môi trường sinh thái ở khu vực đầm.

Theo khảo sát của ngành Thủy sản, đầm Thị Nại từng là nơi sinh sống của 119 loài cá, 14 loài tôm và hàng chục loài thủy hải sản có giá trị khác. Riêng khu vực Cồn Chim (thuộc địa phận xã Phước Sơn - Tuy Phước), trước đây chủ yếu là rừng ngập mặn, là nơi trú ngụ của các loài chim quý, như cò, vạc đen, nhạn, lau chau… và nhiều giống loài thủy sản, như cá, tôm, hàu, sò, vẹm… Với NLTS đa dạng và phong phú như vậy, từ bao đời nay đầm Thị Nại là nguồn sống của hàng ngàn cư dân ven đầm.

Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, hệ sinh thái đầm Thị Nại đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi bàn tay con người. Với sự tính toán thiếu hợp lý, chỉ thấy cái lợi trước mắt, việc phá rừng ngập mặn để nuôi tôm không theo một quy hoạch nào; việc khai thác thủy sản bằng những phương pháp hủy diệt… là những nguyên nhân trực tiếp gây tổn hại đến đa dạng sinh học của vùng đầm. Hầu như toàn bộ diện tích rừng ngập mặn ở đây bị xóa sổ, chỉ còn lác đác một số cây đước, cây mắm tồn tại trên các bờ bao ao tôm. Thay vào diện tích rừng ngập mặn là những ao nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh. Theo số liệu thống kê, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản ở đầm Thị Nại đã vượt gấp đôi so với hệ số bền vững cho phép. Sự quá tải sinh học này đã làm môi trường nước trong đầm ngày càng ô nhiễm nặng, dịch bệnh tôm nuôi không ngừng phát sinh.

Mặt khác, so với 10 năm trước, số lượng tàu thuyền khai thác trong đầm đã tăng từ 25-30%; cư dân ven đầm cũng không ngừng phát triển các ngành nghề khai thác thủy sản. Điều đáng nói hơn, có nhiều hộ dân đã sử dụng các nghề cấm, như xung điện, xiết máy để khai thác một cách tận diệt NLTS, làm cho các giống loài thủy sản trong đầm ngày càng cạn kiệt. Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, hiện nay năng suất khai thác tự nhiên ở đầm Thị Nại đã giảm sút một cách nghiêm trọng. Cụ thể, năng suất nhuyễn thể giảm 67%; tôm giảm trên 65%; cá giảm 47%; ghẹ - cua giảm 25%… so với cách đây 10 năm.

* Nỗ lực khôi phục

Trong những năm qua, ngành Thủy sản tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc phục hồi hệ sinh thái của đầm Thị Nại. Năm 2004, Sở Thủy sản tỉnh đã triển khai dự án “Phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại”. Mục tiêu trước mắt của dự án là thiết lập khu phục hồi sinh thái, bảo tồn nguồn lợi ở khu vực Cồn Chim và bảo đảm việc khai thác hợp lý để duy trì NLTS trong đầm cho sử dụng lâu bền. Mục tiêu dài hạn là phục hồi đa dạng sinh học, tái tạo NLTS, xử lý ô nhiễm và tái tạo cảnh quan môi trường cho toàn khu vực đầm Thị Nại.

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại (BQL KSTCC - ĐTN), đã tiến hành tái tạo, khôi phục tiềm năng về nhiều mặt của đầm Thị Nại; trong đó tập trung trồng và chăm sóc rừng ngập mặn; triển khai các mô hình thực nghiệm; tăng cường công tác truyền thông về hiệu quả của việc phục hồi hệ sinh thái cho cư dân trong vùng… Đến nay, BQL KSTCC - ĐTN đã trồng được 50 ha đước trong khu sinh thái, diện tích rừng trồng tập trung 35 ha và trồng trong khu nuôi sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn 15 ha.

Ngoài ra, BQL KSTCC- ĐTN cũng đã trồng 100 ha rừng phân tán tại các bờ ao, đìa... xung quanh khu vực Cồn Chim. Qua khảo sát cho thấy, diện tích rừng ngập mặn này phát triển khá tốt, tỉ lệ cây sống đạt trên 82%. Hiện đã có nhiều loại chim, cò về trú đậu trên những tán cây mắm, cây đước và nhiều loại thủy sản cũng đã tìm đến khu rừng ngập mặn để trú ngụ, sinh sản.

Cùng với việc tái tạo rừng ngập mặn, BQL KSTCC - ĐTN cũng đã tiến hành tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống cho 9 hộ dân ở khu vực quanh đầm nuôi khảo nghiệm 0,7 ha hàu thương phẩm tại khu vực nuôi động vật thân mềm. Trong quá trình khảo nghiệm cho thấy, môi trường nước ở khu vực này phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của hàu. Kết quả thu hoạch, sản lượng và lợi nhuận của hàu nuôi tại KSTCC đạt cao hơn so với các khu vực nuôi hàu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, BQL KSTCC-ĐTN cũng đã triển khai mô hình nuôi ghép tôm - cá cho 72 hộ dân, trên diện tích 52 ha. Qua theo dõi cho thấy, chất lượng nước trong ao nuôi được cải thiện, tôm và cá đều phát triển tốt…

Cùng với công tác phục hồi, tái tạo hệ sinh thái, BQL KSTCC-ĐTN còn tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn NLTS ở khu vực đầm Thị Nại. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi hành vi của cư dân ven đầm trong việc khai thác, nuôi trồng, bảo quản nguồn lợi trong đầm một cách hợp lý và bền vững.

Tổng diện tích khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại là 480 ha, bao gồm 9 khu chức năng chính: Khu vực bảo tồn thảm cỏ biển 15 ha. Khu vực nuôi sinh thái kết hợp với trồng rừng ngập mặn 25,1 ha. Khu vực sân chim và trụ sở làm việc 9,4 ha. Khu vực trồng rừng ngập mặn tập trung 38,7 ha. Khu vực trồng rừng phân tán dọc theo các bờ đìa 10 ha. Khu vực nghiên cứu thực nghiệm và phục hồi nguồn lợi thủy sản 26,2 ha. Khu vực triển khai ứng dụng các mô hình nuôi tôm bền vững cho cộng đồng 33,4 ha. Khu vực nuôi động vật thân mềm 11,6 ha. Khu vực khai thác hợp lý NLTS 310 ha.

Ngọc Thái (Nguồn vasep)