Mùa đánh bắt cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên đã bắt đầu, với mong muốn mưa thuận gió hòa, ngư trường nhiều cá...

Những ngày đầu năm 2011, tại các bến cá Đông Tác, phường 6 (TP Tuy Hòa), không khí làm việc rất khẩn trương. Mỗi người một công việc, người thì vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, người thì chuyển dầu, vác đá cây cho vào máy xay nhỏ đưa lên tàu… Họ chuẩn bị cho những chiếc tàu câu cá ngừ đại dương rẽ sóng ra khơi, bắt đầu mùa vụ đánh bắt mới. Ông Đặng Tấn Son ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chủ tàu PY-96146TS, cho biết: “Tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương đã gần 10 năm nay. Năm 2010 được mùa nhất, bình quân mỗi chuyến biển đánh bắt khoảng 2 tấn cá, trừ các khoản chi phí, thu nhập khoảng 100 - 150 triệu đồng/chuyến. Chuyến biển đầu năm 2011 này phí tổn cao hơn các chuyến trước khoảng 10 triệu đồng, vì thời gian cận tết, mọi thứ phục vụ cho chuyến biển đều tăng. Mong sao chuyến ra khơi đầu năm này sẽ thành công…”. Ông Nguyễn Văn Hoàng, chủ tàu cá PY-91090TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), nói: “Năm 2010, ngư trường đánh bắt cũng gần hơn so với các năm trước nên tàu của tôi đi được 8 chuyến. Giá cá ngừ cũng tương đối cao và ổn định nên bình quân mỗi chuyến biển lãi trên dưới 100 triệu đồng. Có chuyến chỉ khoảng 20 ngày thì đủ số lượng, những chuyến biển như vậy ngư dân chúng tôi xem là được mùa vì số lượng cá đạt chỉ tiêu, phẩm cấp cá đạt yêu cầu do thời gian được rút ngắn. Mong rằng mùa đánh bắt mới gặp nhiều thuận lợi hơn năm vừa rồi…”.

Ngư trường khai thác cá ngừ đại dương thường cách đất liền 200 - 500 hải lý. Ngoài một số trang thiết bị cần thiết như máy bộ đàm, định vị, thúng chai…, mỗi tàu còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm đủ cho khoảng 10 người sinh hoạt từ 20 ngày đến hơn một tháng trên biển. Ông Trần Thanh Lâm, ở phường 6, thuyền trưởng tàu PY-90955TS, cho biết: “Nghề câu cá ngừ không dễ cũng không khó, quan trọng nhất là mình phải nắm chắc quy luật của con cá đi hướng nào, vào mùa nào, từ đó tìm cách đón đầu để câu. Hiện có nhiều vùng biển để đánh bắt, nhưng theo kinh nghiệm, thường khoảng cuối năm âm lịch, cá di cư từ vùng biển phía bắc xuống phía nam. Chuyến biển này, tàu chúng tôi đánh bắt ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa, có khi chạy vào đến Côn Đảo, Phú Quốc…”.

Theo nhiều ngư dân ở TP Tuy Hòa, cá ngừ đại dương bao giờ cũng vừa bơi vừa ăn mồi. Thức ăn mà cá ngừ đại dương rất ưa thích là cá hố sứa, cá chuồn, mực tươi. Quan trọng nhất đối với những người hành nghề câu cá ngừ đại dương là kinh nghiệm từng trải ở nhiều ngư trường. Ai cũng phải giấu kín những tọa độ mà mình đánh bắt hiệu quả từ các năm trước để năm sau, vào mùa sau tiếp tục đến vị trí đó để đánh bắt. Thành công hay không là nhờ vào kinh nghiệm này. Hiện nay có nhiều đội tàu được thành lập với khoảng 10 - 15 chiếc, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau kể cả thông tin về ngư trường đánh bắt, đồng thời còn bảo vệ ngư trường, lãnh hải nếu có tàu nước ngoài xâm nhập. Khi ra khơi, các tàu tỏa mọi hướng để tìm cá, nếu phát hiện luồng cá họ liên hệ với nhau bằng những mật mã đã được quy định sẵn để cùng đánh bắt. Ông Võ Đốc ở phường 6, chủ tàu PY-92691TS, cho biết: “Trước đây tôi đi bộ đội, từng đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Xuất ngũ, tôi lại gắn bó với Trường Sa nhờ vào nghề câu “bò gù”. Mỗi khi ra khơi, chúng tôi có khoảng 10 chiếc tàu, thường xuyên liên lạc với bộ đội biên phòng để vừa đánh bắt, vừa kết hợp bảo vệ vùng lãnh hải của đất nước…”.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên, hiện có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh đã xuất bến. Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi khuyến khích ngư dân đổi mới công nghệ, mở rộng phương thức đánh bắt xa bờ và kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đảm bảo phát triển bền vững”. Đó là cơ cấu lại ngành nghề và ngư trường, áp dụng công nghệ mới vào khai thác, bảo quản cá để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản, gồm hỗ trợ thay máy, vỏ tàu, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và phí bảo hiểm tàu cá, bảo hiểm thuyền viên. Tăng cường công tác dự báo, thông tin khai thác hải sản nhằm giúp ngư dân khai thác có hiệu quả và duy trì hệ thống thông tin về an toàn trên biển để giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi ra khơi đánh bắt cá. Thiết lập cầu nối giữa đại diện ngư dân với ngành chủ quản, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ hệ sinh thái biển. Ngoài ra, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến và xuất khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

ANH NGỌC