Thời gian gần đây tại vùng biển Lỗ Sâu, Tàu Cháy… thuộc vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu - Phú Yên) mỗi ngày có hàng chục tàu cá chạy ngang, dọc để cào sò, nghêu... Hình thức khai thác theo kiểu tận thu này khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến các loại thủy hải sản khác.

Khai thác sò bằng lưỡi cào trong vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) - Ảnh: T.HƯƠNG

Chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy của ngư dân ra biển, tiếp cận các tàu cào sò, nghêu. Một người cào sò, nghêu cho biết: “Trước đây, chúng tôi không biết dưới đáy vịnh Xuân Đài có nhiều sò, nghêu… như thế này. Từ khi phát hiện, một số người dùng bình hơi lặn xuống đáy vịnh để đánh bắt, chúng tôi bắt chước làm theo và thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày”. Theo quan sát của chúng tôi, riêng khu vực Lỗ Sâu, có gần 30 thuyền máy, mỗi thuyền có khoảng 4 người làm việc luôn tay. Có thuyền không đăng ký biển số, có thuyền có biển số đăng ký nhưng bị che khuất bởi chủ của nó dùng bùn trét lên. Sò, nghêu bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Để giảm bớt sức lao động, dân cào sò ở đây “nghiên cứu” ra một loại dụng cụ hỗ trợ. Loại dụng cụ này có lưỡi bằng sắt, dài hơn 2 m, đường kính khoảng 30 cm như một lồng sắt, xung quanh được gắn chi chít như những hàng răng cưa nhọn. Khi thả dụng cụ này xuống nước, “hàm răng” của lưỡi cào sẽ cắm sâu xuống đáy và được nối với hệ thống ròng rọc đặt trên thuyền để tiện việc thu hoạch. Những người đánh bắt chỉ việc cho tàu chạy ngang - dọc trong vịnh là có thể “quét” các loại sinh vật sống ở tần đáy của vịnh Xuân Đài.

Tiếp cận một cơ sở chuyên sản xuất cào sò, nghêu tại phường Xuân Thành, chủ cơ sở này cho biết giá mỗi cái cào sò, nghêu 2 - 3 triệu đồng, tùy theo kích cỡ, chất liệu… Cấu tạo của loại ngư cụ này khai thác thủy sản theo phương pháp thụ động, đối tượng thủy sản bị đánh bắt một cách ngẫu nhiên, không có tính chọn lọc về kích cỡ, chủng loại và mang tính hủy diệt không kém gì các ngư cụ đánh bắt đã được nghiêm cấm trước đây như bóng Thái Lan, lưới giã cào điện.

Một chiếc thuyền chuyên thu mua hải sản tiếp cận thuyền cào sò, nghêu để mua - Ảnh: T.HƯƠNG

Việc khai thác theo kiểu tận diệt khiến cho nguồn lợi thủy sản ở vịnh Xuân Đài ngày càng cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Em, nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, cho biết: “Tôm hùm là loài rất nhạy cảm với môi trường. Thời gian gần đây, vì nhiều người đua nhau đi cào sò, nghêu nên môi trường đáy ở khu vực vịnh bị ô nhiễm. Không ít tôm hùm nuôi của bà con đã bị bệnh đen mang dẫn đến chết”. Còn ông Võ Thâu thì bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết, nhưng đến nay các thuyền cào sò, nghêu vẫn ngang nhiên hoạt động và có xu hướng tăng”.

Theo Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TX Sông Cầu, các đối tượng khai thác sò, nghêu rất liều lĩnh. Trong đợt truy quét ngày 9/12, lực lượng của trạm đuổi bắt một thuyền máy đang khai thác sò, nghêu thì bị một thuyền khai thác khác có công suất lớn hơn đâm vào thuyền của trạm để giải vây cho đồng bọn. May mắn lần đó, không ai bị thương. Đến nay vẫn không xác minh được tung tích các đối tượng, vì lúc đó bọn chúng trét bùn che biển số đăng ký tàu. Ông Đặng Phú Nguyên, Trưởng Trạm Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TX Sông Cầu, cho biết: “Nạn khai thác sò, nghêu mang tính hủy diệt ở vịnh Xuân Đài rộ lên từ đầu tháng 12 này. Công cụ được sử dụng là một loại ngư cụ mới, gây xáo trộn và hủy hoại tầng đáy, có bộ phận thu gom sản phẩm, thuộc họ với nghề lưới kéo đã bị nghiêm cấm trước đây. Trạm đã nhiều lần tổ chức truy quét, tuy nhiên vì lực lượng thiếu, phương tiện xuống cấp nên không hỗ trợ được trong công việc”.

TUYẾT HƯƠNG – NGỌC NHƯ