Ở biển, có nhiều nghề để sinh sống và làm giàu…, và một trong số ấy là nghề khai thác cá mú. Nghề này mới hình thành chừng hơn một năm và hiện nay ngư dân một số địa phương trong tỉnh đang phấn khởi đầu tư.

Cá mú có hai loại, một loại màu đỏ kích thước lớn và một loại màu vàng xám nhỏ hơn. Dù thuộc loại nào thì cá mú vẫn luôn đắt tiền. Như cá mú đỏ hiện nay giá từ 80-100 ngàn đồng/kg. Một con trung bình nặng từ 5-8 kg. Cá mú thường được xuất khẩu hoặc cung cấp cho các nhà hàng, hay những gia đình có thu nhập cao.

Cá mú thường sống ở các rạn san hộ ngầm. Tuy nhiên chúng ở các rạn san hô gần bờ không nhiều, mà chủ yếu ở các dãy rạn san hô xa bờ hàng trăm hải lý.

Trước đây ngư dân chỉ đánh bắt cá mú bằng nghề câu. Với cách này cá mú bắt được không nhiều. Ngoài cách câu ra, ngư dân chưa thể thả lưới đánh được vì mức nước quá sâu, sức người không kéo nổi. Ngày nay, nhờ sáng tạo ra được dàn cảo có thể kéo được liên tục hàng trăm tấm lưới ở độ sâu vài trăm mét mà không tốn sức lực, ngư dân đã nghĩ ra loại lưới đánh cá mú và áp dụng trong thực tế cho hiệu quả rõ rệt. Từ đó mọi người tin tưởng, phấn khởi đầu tư làm theo.

Lưới đánh cá mú gọi là lưới bảy do nó có mắt lưới 7cm, được đan bằng sợi cước lớn hơn gấp hai lần cước đan lưới thông thường. Một tấm lưới bảy dài khoảng một trăm mét. Một ngư dân làm cho mình năm tấm như vậy gọi là một đầu lưới, trị giá bảy triệu đồng. Chủ ghe, trong mùa đánh bắt cá mú (từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau), sẽ chở lưới của mình cùng lưới của 6-8 người bạn nữa ra khơi xa (có khi phải chạy trên 24 giờ) dùng máy định vị xác định vị trí vùng rạn san hô thả xuống đánh cá. Chẳng những lưới bảy đánh được cá mú không thôi, mà còn khai thác được các loại cá khác rất có giá trị xuất khẩu như đổng sộp, chùm bì, bắp nẻ, mó xám rất nhiều. Do vậy, nghề đánh bắt cá mú cũng kiêm luôn khai thác các loại cá này.

Sau mỗi chuyến biển từ 5-7 ngày, mỗi ghe đã có thể vào bờ bán cá được vài ba chục triệu đồng, trong khi phí tổn không nhiều, chừng vài triệu đồng. Do đó mà nhiều ngư dân hành nghề giàu lên mau chóng. Ông Mai Văn Lí ở phường Đông Hải (PR-TC) là một ví dụ. Ông làm nghề chỉ chừng hơn một năm mà đã có đủ tài chính để vui vẻ… đập nhà cũ vừa mới cất hai năm trước đó để xây nhà mới khang trang và to đẹp hơn. Nhờ hiệu quả hấp dẫn ngoài sự mong đợi như vậy mà nghề lưới bảy được mau chóng nhân rộng. Từ nơi đầu tiên làm nghề là Khánh Hội (Ninh Hải), đến nay đã có nhiều xã, phường ven biển làm theo. Anh Lê Hoàng Minh, một người kết lưới thuê chuyên nghiệp ở địa phương cho hay: Nhu cầu làm lưới bảy nhiều đến nỗi suốt nhiều tháng nay, ngày nào anh cũng làm phao kết lưới cho chủ ghe, không có thời gian để nghỉ. Còn anh Văn Thành Tâm, một ngư dân cũng đã sẵn sàng một đầu lưới này cho con trai mình, bảo: Đây là cơ hội làm giàu, cần phải biết nắm bắt, nếu không sẽ bị “tụt hậu”…

Có thể nói nghề đánh bắt cá mú là nghề khai thác xa bờ mang lại hiệu quả cao, trong khi vốn đầu tư không nhiều lắm.

Huỳnh Chơn Sơn, Báo Ninh Thuận (Nguồn vasep)