Một chiếc thuyền vào mùa câu cá mập phải có ít nhất 3 giỏ câu. Mỗi giỏ dài 4.000 mét, cách 20 mét là đặt một thẻo câu bằng cước 3 li dài 5m kết chặt vào sợi dây cái. Dưới thẻo câu là sợi dây mí làm bằng inox 1 li bện đôi dài 1m và cuối cùng là lưỡi câu bằng inox đường kính 5 li. Đến mùa câu cá mập, bà con phải rà lại lưỡi thẻo cho chắc chắn. Nếu sơ ý để sẩy một con là mất 4-5 triệu đồng…

Hai khu phố Khánh Chữ và Khánh Giang thuộc thị trấn Khánh Hải hiền hoà nằm bên bờ Đầm Nại. Ít ai ngờ đây cũng là hai làng biển có đông ngư dân làm nghề câu cá mập ở huyện Ninh Hải. Những ngư dân làm nghề săn “cọp biển” tuy nặng nhọc, nguy hiểm hơn các nghề khác nhưng cuộc sống của họ cũng khấm khá hơn nhờ vi cá mập đắc tiền như vàng!

Chiều ngày 12-6-2007, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Khá 40 tuổi. Nhà anh hai tầng lầu mới xây cất cao đẹp ở cuối làng biển Khánh Giang. Anh Khá được ngư dân địa phương đặt cho biệt danh “dũng sĩ săn cá mập”. Bởi lẽ anh Khá được người cha ruột là lão ngư Nguyễn Bang truyền nghề. Ông Bang là ngư dân từ Bình Định vào Ninh Thuận lập nghiệp mang theo nghề câu cá mập truyền thống của vùng biển huyện Hoài Ân. Anh Khá đang đi biển vừa đánh bắt cá nục vừa “dò” đường đi của cá mập để chuẩn bị cho mùa “săn cọp biển”. Chúng tôi trao đổi với anh Khá qua điện thoại di động. Trong tiếng sóng biển ầm ào, tiếng máy thuyền nổ ồn ã, anh Khá nói: “Từ năm mười lăm tuổi, tui theo cha đi trên chiếc thuyền máy nhỏ rong đuổi khắp vùng biển Ninh Thuận săn “cọp biển”, cách bờ 30-40 hải lý. Khi ông cha già yếu qua đời, tui tiếp tục nối nghiệp ông làm nghề câu cá mập và bày cách giúp cho bà con trong làng làm ăn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no như mình chớ!”.

Chị Nguyễn Thị Hiền (vợ anh Khá) cho biết cách đây nửa tháng, anh Khá có đi “dạo thử” ngư trường để chuẩn bị cho mùa câu cá mập. Anh đi ba ngày câu được hai con cá mập nặng ba tạ bán được 10 triệu đồng, vừa đủ sở hụi. Một ký vi cá mập loại 1 hiện nay nằm giá 1 triệu đồng. Thuyền câu vào bờ có cá là thương lái tìm đến mua vi cá trả tiền ngay. Một con cá mập dài 2-3 mét nặng 100-250 kg là cắt được 2-3 kg vi loại 1. Còn thân cá bán nguyên con cho đầu nậu cũng được 8-9 ngàn đồng/kg. Mỗi năm gia đình chị câu cá mập từ tháng 5-7 âm lịch. Mỗi chuyến biển câu cá mập phải đầu tư ít nhất 10 triệu đồng mua mồi (cá lồ ồ), dầu đèn, lương thực cho bạn thuyền đi cả tuần trên biển. Mùa câu cá mập năm 2006, gia đình chị trừ hết chi phí còn thu nhập trên 100 triệu đồng.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Thanh, 39 tuổi ở sát nhà ngư dân Nguyễn Văn Khá. Anh Thanh là người hàng xóm được anh Khá truyền nghề câu cá mập. Vừa sửa sang lại giỏ câu chuẩn bị cho mùa đánh bắt cá mập, anh Thanh vừa trò chuyện: “Vài ba năm gần đây, thấy anh Khá làm nghề câu cá mập có thu nhập cao nên tui học nghề làm theo. Để có một giỏ lưới 200 lưỡi, tui phải đầu tư gần 3 triệu đồng mua vật tư còn công cán thì anh em bạn nghề xúm lại tự làm. Một chiếc thuyền vào mùa câu cá mập phải có ít nhất 3 giỏ câu. Mỗi giỏ dài 4.000 mét, cách 20m là đặt 1 thẻo câu bằng cước 3 li dài 5 m kết chặt vào sợi dây cái. Dưới thẻo câu là sợi dây mí làm bằng inox 1 li bện đôi dài 1m và cuối cùng là lưỡi câu bằng inox đường kính 5 li. Đến mùa câu cá mập, bà con phải rà lại lưỡi thẻo cho chắc chắn. Nếu sơ ý để sẩy một con là mất đi 4-5 triệu đồng. Năm ngoái, có một chuyến biển tôi đi trong vòng 1 tuần câu được 1,5 tấn cá mập bán trên 50 triệu đồng. Người đi câu cá mập phải hết sức thận trọng vì nó rất hung dữ nên được ngư dân tụi tui gọi vui là “cọp biển”. Nếu được ông bà ngó nghĩ thì nghề này làm ăn kể cũng mau khá. Năm nay, nghề câu cá mập chắc lại được mùa”, anh Thanh bày tỏ niềm mong ước.

Theo Báo Ninh Thuận, Việt Linh