TN&MT) Sáng 1/7, tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội), nhân ngày Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) có hiệu lực (1-7-2009), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Dự án thực hiện khung quốc gia về an toàn sinh học, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tổ chức Lễ Mít tinh với tinh thần “đưa luật” vào cuộc sống thông qua các hoạt động phong phú, sinh động

Tiến sỹ Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Môi trường trình bày cô đọng về nội dung Luật ĐDSH. Kể từ nay, lần đầu tiên việc quản lý, bảo tồn và phát triển ĐDSH của Việt Nam được qui về một mối, như một thể thống nhất và là sự hoàn thiện nội dung quan trọng thứ 3 trong công tác bảo vệ môi trường (phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm; cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học).

Thông qua 8 chương, 78 điều quy định về nguyên tắc chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH, Luật thống nhất những qui định liên quan đến ĐDSH như khu bảo tồn thiên nhiên, ưu tiên bảo vệ động vật hoang dã; đánh giá, lưu giữ, bảo quản nguồn gen và cơ sở dữ liệu về nguồn gen. Đặc biệt, Luật đã quy định các vấn đề mới như quy hoạch bảo tồn; tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại; quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen đối với ĐDSH; tài chính cho bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH.

Các nhà quản lý, các nhà môi trường, hệ thống các ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đón nhận Luật như một công cụ đặc biệt giúp họ hoàn thành chức trách; từng bước kiểm kê, kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng suy thoái ĐDSH đang diễn ra nghiêm trọng. Bất cứ ai từng đau xót trước sự suy giảm mạnh mẽ của các loài, sự cạn kiệt và thất thoát nguồn gen của động vật hoang dã; từng bàng hoàng trước con số 700 loài sinh vật nước nhà bị đe dọa tuyệt chủng cấp quỗc gia, trong đó có 300 loại bị đe dọa tuyệt chủng cấp quốc tế; độ che phủ của rừng chỉ còn hơn 38%, đểu thấm thía lời phát biểu đầy ấn tượng của Giáo sư Đặng Huy Huỳnh “ Hôm nay không chỉ những người làm công tác ĐDSH vui mừng, mà cả sinh vật đều vui mừng…”.

Tuy nhiên, để Luật ĐDSH phát huy được hiệu quả trong đời sống, không phải là chuyện đơn giản. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Xuân Cường nêu lên 6 vấn đề cần được đồng thời triển khai. Bao gồm việc xây dựng các văn bản qui phạm pháp luật qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật và văn bản hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH; giới thiệu, tập huấn cho cán bộ liên quan trong hệ thống cơ quan quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các qui định của Luật đến các tầng lớp cán bộ, nhân dân; tăng cường năng lực quản lý các cơ quan Nhà nước về ĐDSH; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm về bảo tồn và phát triển ĐDSH trong cộng đồng kết hợp với các công cụ kinh tế, chế tài hành chinh, hình sự theo qui định của pháp luật; và huy động các thành phần kinh tế tham gia quản lý, phát triển bền vững và sử dụng hiệu quả ĐDSH trong phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh.

Từ nay đến năm 2013, Bộ TN&MT, cơ quan quản lý Nhà nước về ĐDSH sẽ phải hoàn tất việc soạn thảo 15 văn bản pháp luật, bao gồm 4 Nghị định, 3 Quyết định và 8 Thông tư liên Bộ, cấp Bộ. Trong đó, điều lo ngại nhất chính là bộ máy quản lý ĐDSH. Sau hơn một chục năm có Luật Bảo vệ môi trường, với mạng lưới Chi cục Bảo vệ môi trường đến cấp địa phương, nhưng hiện nay 9.000 dân mới có 1 cán bộ môi trường; liệu nhân lực dành cho bảo tồn, phát triển ĐDSH sẽ “lấy” ở đâu?

Trong điều kiện đó, chắc chắn việc giúp cộng đồng dân cư nắm được Luật, tuân thủ Luật càng trở nên hết sức quan trọng. Bởi nếu như việc soạn thảo văn bản pháp luật, đầu tư tài chính, quy hoạch bảo tồn phát triển ĐDSH liên quan đến chính quyền, thì việc thực thi luật lại liên quan nhiều đến cộng đồng dân cư, nhất là dân cư các khu Bảo tồn thiên nhiên, các vùng đất ngập nước, những người sống nhờ vào hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, nếu được tuyên truyền đầy đủ, người dân sẽ vui mừng vì “Luật không cấm họ khai thác, mà dậy họ cách khai thác thế nào cho lợi nhất. Họ còn được chia sẻ lợi ích từ việc làm dịch vụ bảo vệ hệ sinh thái trong các hoạt động du lịch, văn hóa… Luật ĐDSH là chìa khóa quan trọng để cộng đồng tham gia bảo vệ Đ DSH…” Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, một trong 23 tập thể cá nhân có nhiều đóng góp giá trị trong suốt quá trình soạn thảo Luật ĐDSH, được Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng bằng khen trong ngày lễ đầy ý nghĩa này đã chia sẻ như vậy.

Thao Lan (Nguồn monre.gov.vn)