1.MỞ ĐẦU

Nước ta có bờ biển dài khoảng 3.260 km, có nghề cá phát triển từ lâu đời với nhiều nghề đánh bắt khác nhau. Các nghề đánh bắt chính hiện nay là nghề lưới kéo, nghề lưới vây, nghề lưới rê và nghề câu. Ngoài những nghề đánh bắt chính nói trên thì các nghề đánh bắt khác cũng phát triển, như nghề mành, nghề lồng bẫy, nghề chụp mực…

Nói chung nghề cá của nước ta phát triển tự phát và không cân đối, vì vậy nguồn lợi hải sản của vùng biển nước ta đang bị khai thác bừa bãi và bị cạn kiệt dần.

Những năm gần đây, một nghề đánh bắt mới đã được du nhập vào nước ta đó là nghề lưới rê hỗn hợp của Trung Quốc. Nghề lưới rê hỗn hợp đang được phát triển mạnh ở Nam Định và đã phát triển lan rộng đến một số nơi của một số tỉnh miền Trung.

Tuy nhiên, với việc du nhập về và phát triển một cách tự phát nên hiện tại có rất nhiều mẫu lưới khác nhau đang được ngư dân sử dụng. Việc sử dụng các mẫu lưới không theo quy chuẩn cũng như chưa có những nghiên cứu cụ thể về hiệu quả của chúng đã làm cho hiệu quả khai thác của nghề không cao trong khi nguồn vốn đầu tư cho nghề khá lớn.

Để có được mẫu lưới chuẩn, có khả năng hoạt động tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong 2 năm 2008 và 2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện đề tài “Nghiên cứu cải tiến, ứng dụng lưới rê hỗn hợp khai thác một số đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá thu, ngừ, chim, hồng, dưa, song…) ở vùng biển xa bờ” với mục tiêu có được một mẫu lưới chuẩn có hiệu quả kinh tế cao.

Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày một số kết quả nghiên cứu thử nghiệm mẫu lưới rê hỗn hợp tại vùng biển vịnh Bắc Bộ trong những chuyến nghiên cứu thử nghiệm năm 2008.

2. TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Tài liệu sử dụng

Báo cáo kết quả của các chuyến nghiên cứu thử nghiệm ngư cụ trong năm 2008.

2.2. Tàu thuyền và ngư cụ

2.2.1. Tàu thuyền

Tàu được sử dụng trong các chuyến nghiên cứu thử nghiệm là tàu NĐ 2790 TS của ngư dân Hải Hậu - Nam Định có các thông số cơ bản sau:

- Chiều dài vỏ tàu: 17,00 m

- Chiều rộng vỏ tàu: 4,80 m

- Chiều cao mớn nước: 1,1 m

- Vật liệu vỏ tàu: gỗ

- Công suất máy chính: 155 cv

- Công suất máy phụ: 24 cv

- Máy khai thác: Tời thuỷ lực

- Máy phát điện: 3 Kw

- La bàn: 01 cái

- Định vị vệ tinh: Furuno GP-31

- Đàm thoại: Sea Engle 6900

2.2.2. Ngư cụ sử dụng

Trong các chuyến nghiên cứu thử nghiệm, đề tài đã sử dụng 02 mẫu lưới rê hỗn hợp gồm:

- Mẫu lưới thử nghiệm do đề tài tính toán thiết kế - gọi tắt là “lưới thiết kế”.

- Mẫu lưới của dân đang sử dụng để khai thác hải sản trên tàu - gọi tắt là “lưới đối chứng”.

Chi tiết cấu tạo của mẫu lưới thiết kế và lưới đối chứng thể hiện trên bản vẽ số 1 và số 2.

Hình 1. Bản vẽ khai triển mẫu lưới thiết kế

Hình 2. Bản vẽ khai triển mẫu lưới đối chứng

2.2.3. Khu vực hoạt động

Các hoạt động thử nghiệm được tiến hành tại vùng biển xa bờ khu vực vịnh Bắc Bộ.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Bố trí thí nghiệm

Để có thể hạn chế bớt những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của lưới trong quá trình hoạt động, lưới thiết kế được bố trí thả xem kẽ với lưới đối chứng như hình vẽ.

Hình 3. Sơ đồ thả lưới thí nghiệm

2.3.2. Thu thập và xử lý số liệu

2.3.2.1. Thu thập số liệu

Trong quá trình hoạt động, các sản phẩm thu được được phân loại tách riêng giữa lưới thiết kế và lưới đối chứng. Sau đó tiến hành thu thập các số liệu cần thiết như số lượng cá thể, trọng lượng cá thể, thành phần loài …

2.3.2.2. Xử lý số liệu

Số liệu thu được đều xử lý trên phần mềm microsoft excel.

+ Thống kê sản lượng khai thác của các mẻ lưới theo từng loài trong các mẻ lưới.

+ Xác định chiều dài, chu vi mặt cắt thân và khối lượng của từng cá thể.

+ Tính toán năng suất khai thác: Năng suất khai thác được tính bằng sản lượng khai thác của mẻ trên 1 cheo lưới hoạt động.

CPUE=C/N

Trong đó:

CPUE: năng suất khai thác trên 1 đơn vị cường lực (kg/cheo)

C: tổng sản lượng khai thác của 1 mẻ

N: Số cheo lưới hoạt động an toàn (cheo).

Như đã trình bày ở trên, hai mẫu lưới thiết kế và đối chứng có các thông số không giống nhau. Lưới thiết kế có chiều dài lưới ngắn hơn so với lưới đối chứng nhưng lại có chiều cao lớn hơn so với lưới đối chứng. Tuy nhiên, tổng diện tích quét 1 cheo của 2 lưới gần tương đương nhau nên có thể coi 2 lưới giống nhau. Các số liệu so sánh, đánh giá sẽ được tính toán cho 1 cheo của mỗi loại lưới.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng khai thác

Trong hai chuyến nghiên cứu thực nghiệm lưới rê hỗn hợp, tàu thực nghiệm NĐ2790TS đã đánh bắt được 14 loài với tổng sản lượng cá đánh bắt là 892,6 kg. Trong đó tập trung vào 3 loài chính có giá trị kinh tế cao là: Cá thu vạch chiếm 32,14% sản lượng; Cá mập miệng rộng chiếm 28,93% và cá thu ngàng chiếm 18,12%. Ngoài ra trong các chuyến nghiên cứu còn bắt gặp các đối tượng cá đáy có giá trị kinh tế cao khác như cá song, cá hồng, cá sủ, cá vược, cá giò…

3.2. Kết quả nghiên cứu thử nghiệm

3.2.1. Tổng quan kết quả nghiên cứu

Qua 02 chuyến nghiên cứu thử nghiệm trong năm 2008, đề tài đã tiến hành thử nghiệm được 28 mẻ lưới, trong đó có 23 mẻ lưới hoạt động an toàn và có sản lượng. Trong phạm vi báo cáo chỉ xin trình bày kết quả nghiên cứu của 23 mẻ lưới trên.

Tổng số cheo lưới được thả và thu an toàn ta chỉ tính cho 23 mẻ lưới đánh bắt có sản lượng của hai chuyến biển nghiên cứu là 2.916 cheo, trong đó:

- Tổng số cheo lưới đối chứng được thả: 2.415 cheo

- Tổng số cheo lưới thiết kế cải tiến được thả: 501 cheo

Sản lượng khai thác trong các chuyến biển được thể hiện trên bảng 1:

Bảng 1. Tổng quan kết quả nghiên cứu trong 2 chuyến thử nghiệm

TT

Tên loài

Số lượng cá thể đánh bắt

Sản lượng

Số con

Tỷ lệ (%)

Kg

Tỷ lệ (%)

1

Cá thu vạch

47

28,31

286,90

32,14

2

Cá mập miệng rộng

67

40,36

258,30

28,94

3

Cá thu ngàng

22

13,25

161,70

18,12

4

Cá khác

30

18,07

185,70

20,80

 

Tổng

166

100,00

892,60

100,00

3.2.2. So sánh kết quả đánh bắt của lưới đối chứng và lưới thiết kế cải tiến

Kết quả đánh bắt thu được trong 02 thu được trong hai chuyến nghiên cứu của lưới đối chứng và lưới thiết kế thể hiện trên bảng 2:

Bảng 2. Số lượng cá thể và sản lượng đánh bắt

 

Số lưới thả (cheo)

Số cá thể đánh bắt (con)

Sản lượng (kg)

Cá thể/cheo (con)

Kg/cheo

Lưới thiết kế

501

58

326,00

0,116

0,651

Lưới đối chứng

2.415

108

566,60

0,045

0,235

Hình 4. So sánh kết quả đánh bắt cho một cheo lưới

Qua kết quả trên cho thấy trong hai chuyến nghiên cứu thử nghiệm trên tàu NĐ2790TS, lưới thiết kế cho năng suất đánh bắt cao hơn nhiều so với lưới đối chứng kể cả số lượng cá thể và sản lượng cá đánh bắt.

- Xét về số lượng cá thể đánh bắt lưới thiết kế cho kết quả cao hơn 2,58 lần so với lưới đối chứng.

- Xét về sản lượng khai thác lưới thiết kế cũng cho kết quả cao hơn 2,77 lần so với lưới đối chứng.

3.2.2. So sánh năng suất đánh bắt của một số loài có sản lượng và giá trị kinh tế cao

Năng suất khai thác của một số đối tượng khai thác chính thể hiện trên bảng 3.

Bảng 3. Năng suất đánh bắt của một số loài cá chủ yếu

TT

Tên loài

Lưới thiết kế

Lưới đối chứng

Tỷ lệ TK/ĐC (%)

Cá thể/cheo

Kg/cheo

Cá thể/cheo

Kg/cheo

Cá thể/cheo

Kg/cheo

1

Cá thu vạch

0,038

0,208

0,013

0,075

292,3

273,3

2

Cá mập miệng rộng

0,038

0,154

0,020

0,075

190,0

205,3

3

Cá thu ngàng

0,014

0,100

0,006

0,046

233,3

217,4

Như vậy lưới thiết kế hoạt động cho kết quả đánh bắt các đối tượng có giá trị kinh tế cao cao hơn nhiều lần so với lưới đối chứng.

4. NHẬN XÉT

Từ những kết quả hoạt động trong năm 2008 cho thấy:

- Mẫu lưới thiết kế của đề tài có chiều cao lớn nên đã đánh bắt có hiệu quả cả những đêm tối trời cũng như những đêm trăng sáng.

- So sánh năng suất đánh bắt chung cho thấy thì lưới thiết kế cải tiến của đề tài đạt năng suất đánh bắt cao hơn cả về số lượng cá thể và sản lượng khai thác so với lưới đối chứng.

- So sánh riêng một số loài cá có sản lượng đánh bắt và giá trị kinh tế cao thì lưới thiết kế có năng suất đánh bắt cao hơn nhiều so với lưới đối chứng.

- Trong 23 mẻ lưới của hai chuyến nghiên cứu đánh bắt trong vụ bắc nên sản lượng đánh bắt của lưới có kích thước mắt lưới 2a = 125 chưa cao. Tuy năng suất đánh bắt của loại kích thước mắt lưới này chưa cao, nhưng qua thực từ theo dõi đánh bắt cho thấy đa số cá thu chấm có trọng lượng cá thể < 2kg đều bị đánh bắt bởi lưới có kích thước mắt lưới này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Nhân và CTV. Báo cáo “Phương án tính toán thiết kế lưới, phụ tùng lưới rê hỗn hợp”. Viện Nghiên cứu Hải sản, tháng 7/2008.

2. Nguyễn Đình Nhân và CTV. Báo cáo “Kết quả đánh bắt nghề lưới rê hỗn hợp trên tàu NĐ2798TS”. Viện Nghiên cứu Hải sản, tháng 6/2008.

3. Nguyễn Đình Nhân và CTV. Báo cáo “Kết quả đánh bắt thử nghiệm lưới rê hỗn hợp thiết kế cải tiến trên tàu NĐ2790TS - chuyến biển tháng 10-11/2008”. Viện Nghiên cứu Hải sản, tháng 11/2008.

4. Nguyễn Đình Nhân và CTV. Báo cáo “Kết quả đánh bắt thử nghiệm lưới rê hỗn hợp thiết kế cải tiến trên tàu NĐ2790TS - chuyến biển tháng 11-12/2008”. Viện Nghiên cứu Hải sản, tháng 12/2008.

5. Hoàng Văn Tính, 2008. Báo cáo “Tổng quan nghề lưới rê khai thác hải sản tại Việt Nam và trên thế giới”. Viện Nghiên cứu hải sản, tháng 6/2008.

6. Phạm Văn Tuấn, Lại Huy Toản. Báo cáo “Chuyến khảo sát trên biển của nghề lưới rê hỗn hợp khai thác hải sản ở vùng biển vịnh Bắc Bộ”. Viện nghiên cứu Hải sản, tháng 6/2008.

7. Phạm Văn Tuyển, Nguyễn Đình Nhân và CTV. Báo cáo “Đánh giá hiện trạng kỹ thuật nghề lưới rê hỗn hợp khai thác hải sản tại một số tỉnh khu vực vinh Bắc Bộ”. Viện Nghiên cứu Hải sản, tháng 7/2008.

Nguyễn Phi Toàn, Nguyễn Đình Nhân, Phạm Văn Tuyển
(Phòng nghiên cứu công nghệ khai thác - Viện nghiên cứu Hải sản)