Rạn san hô ở vùng biển Quy Nhơn không đa dạng bằng một số nơi trong nước (Bình Thuận, Khánh Hòa) nhưng mang nhiều nét đặc trưng riêng, là nơi tồn cư của nhiều loài sinh vật quý hiếm, là môi trường tốt để bảo tồn nguồn gen, rạn san hô ở đây chủ yếu được kết thành bởi các tập đoàn san hô mềm. Năm 2002 Viện Hải dương học Nha Trang đã tiến hành điều tra, khảo sát vùng vịnh Quy Nhơn để nghiên cứu tìm giải pháp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi ở vùng vịnh này.

Ai cũng biết các rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản. Nguồn lợi sinh vật tại các rạn san hô ở vùng biển Quy Nhơn khá phong phú. Theo kết quả khảo sát ban đầu tại đây có 61 loài rong biển thuộc 4 ngành: rong lam (Cyanophyta) rong nâu (Phaeophyta), rong đỏ (Rhodophyta) và rong lục (Chlorophyta). Đặc biệt có các loài rong có giá trị kinh tế: rong câu chân vịt (Gracilaria eucheumoides), rong câu rễ tre (Gelediella acerosa); rong đông (Hyprea pannosa), rong mơ (Sargassum SPP). Ở đây còn có 111 loài cá sống ở rạn thuộc 61 giống và 34 họ. Chiếm nhiều nhất là loại cá bướm, cá thia, cá bàng chài và cá đuôi gai. Bốn loài cá này đã chiếm 50,45% tổng số loài.

Ở Hòn Đất, Nhơn Lý có nhiều họ cá mú, cá thia, cá bàng chài, cá đuôi gai. Cù Lao Xanh có: cá bướm, cá thia, cá bàng chài nhiều hơn tại Hòn Đất và Nhơn Lý. Ngoài ra ở cùng rạn còn nhiều loài nhuyễn thể khác: ốc đụn, ốc khối, ốc bàn tay, ốc bông, ốc mặt trăng, bào ngư, hải sâm đen, tôm hùm... đã làm tăng thêm tính đa dạng của rạn. Bên cạnh sự đa dạng về mặt sinh học, do cấu trúc địa chất, trong thành phần trầm tích vịnh Quy Nhơn hàm lượng khoáng vật nặng Ilmenit, Zircon, Rutin... khá cao. Chúng được phân bố ở độ sâu không quá 30m. Đây là một dạng tài nguyên quý nhưng chưa được khảo sát đánh giá trữ lượng, bản đồ phân bố, để có cơ sở quy hoạch khai thác hợp lý.

Nhiều năm qua các rạn san hô tập trung bờ nam bán đảo Phương Mai (Quy Nhơn) đã bị con người khai thác hủy diệt để lấy nguyên liệu nung vôi. Nguồn lợi sinh vật biển ở đây bị ngư dân khai thác khá triệt để bằng nghề giã cào đáy, đặt lồng, nghề lưới, câu, lặn, có khi bằng lưới vây mắt nhỏ. Môi trường còn bị tàn hại nghiêm trọng do nhiều kẻ hám lợi đã khai thác thủy sản bằng phương tiện xung điện, xiếc máy, chất nổ. Các kiểu đánh bắt này đã tác động trực tiếp lên sự tồn tại của các rạn san hô. Một số loài sinh vật cư trú trong khu vực các rạn, nhất là các loài nhuyễn thể có dấu hiệu cạn kiệt. Tính đa dạng sinh học của vùng biển phụ thuộc nhiều vào các rạn san hô, khi các rạn này bị xâm hại, môi trường và tính đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Kết quả nghiên cứu, khảo sát vùng biển Quy Nhơn của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy: Vùng vịnh Quy Nhơn có tầng đáy được phủ bởi các lớp trầm tích chủ yếu là hạt nhỏ đến mịn, có hệ thống dòng chảy hoàn lưu, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều loài sinh vật đáy phát triển. Vùng biển này có 204 loài động vật, thuộc 139 giống và 86 họ. Trong đó nhiều nhất là giun nhiều tơ (123 loài), rồi đến giáp xác (37 loài), thân mềm (30 loài), da gai (14 loài). Mức độ cân bằng sinh tồn giữa các loài tương đối tốt. Nhìn chung tính đa dạng sinh vật ở đây tương đối cao, đáng kể nhất là vùng biển ven Hòn Đất, khu vực bờ đông nam bán đảo Phương Mai, Hòn Khô. Về san hô, các rạn phát triển mạnh thuộc về khu vực phía nam đảo Nhơn Lý, ven đảo Hòn Đất. Ở ven đảo Cù Lao Xanh, do được bảo vệ tương đối tốt, ở khu vực phía đông, tây nam san hô đã tái sinh khá tốt, đặc biệt là hiện tượng phục hồi và tái phát triển của rạn san hô cứng đang diễn ra khá mạnh. Tuy nhiên trừ rạn san hô ở những địa điểm kể trên, ở những khu vực còn lại diện tích san hô còn lại không đáng kể.

Để quản lý khai thác có hiệu quả, trước mắt, Bình Định đã cấm khai thác đánh bắt hải sản bằng phương pháp hủy diệt, giã cào đáy tại rạn vùng tiếp giáp (phương pháp khai thác này làm tăng hàm lượng vật chất lơ lửng, giảm độ trong suốt của nước. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho rạn san hô kém phát triển, có khi gây ra hiện tượng san hô chết hàng loạt). Không neo đậu tàu (trừ tàu du lịch) xả thải dầu nhớt tại các vùng bãi rạn và lân cận. Tiến hành công tác khôi phục lại rạn- diệt các loài rong biển cạnh tranh với san hô, các loài động vật ăn san hô, trồng các loại rong có ích tự làm sạch môi trường. Kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang sẽ là cơ sở để Bình Định xây dựng kế hoạch bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học khu vực các rạn. Bảo vệ các rạn san hô chính là bảo vệ hệ sinh thái các bãi đẻ để duy trì và phát triển nguồn lợi sinh vật biển, đảm bảo sinh kế bền vững cho dân địa phương, tạo môi trường sạch phục vụ du lịch sinh thái.

Hoàng Lân (Nguồn baobinhdinh.com.vn)