Ngày 25/4/2013, Viện Nghiên cứu Hải sản tổ chức Hội thảo liên ngành nhằm góp ý và hoàn thiện báo cáo tổng kết khoa học đề tài cấp thành phố “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất dịch đạm thủy phân giàu acid amin từ con moi (con ruốc, tép biển) bằng enzyme protease” do ThS. Bùi Thị Thu Hiền làm chủ nhiệm.

Tham gia Hội thảo có các vị đại biểu đến từ Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Công ty SEAPRODEX Hải Phòng, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng, Trường Cao đẳng Nghề thủy sản, Công ty Đồ hộp Hạ Long, Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Hải Phòng, Hội Nghề cá Việt Nam, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản, các thành viên Hội đồng Khoa học – Đào tạo Viện, lãnh đạo các đơn vị và các cán bộ khoa học Phòng NCCN Sau thu hoạch, Phòng NCCN Sinh học biển và Phòng Kế hoạch – Khoa học. PGS.TS. Đỗ Văn Khương – Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã được nghe Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt các kết quả đạt được của đề tài, sản phẩm của đề tài là ‘dịch đạm thủy phân’. Báo cáo tổng kết khoa học của đề tài đã được Hội đồng nhận xét, đánh giá và góp ý chi tiết cho các nội dung như: bố cục báo cáo, phương pháp nghiên cứu (phương pháp nghiên cứu thành phần dinh dưỡng, vi sinh vật), phương pháp và thời gian bảo quản sản phẩm, tài liệu tham khảo, từ ngữ cần có sự thống nhất,…

Về cơ bản, đề tài đã đáp ứng được mục tiêu đề ra và được đánh giá cao kết quả thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm. Đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất dịch đạm thủy phân giàu acid amin từ nguyên liệu moi bằng enzyme Alcalase quy mô phòng thí nghiệm với các thông số tối ưu và đã thử nghiệm sản xuất trên nồi lên men 10kg/mẻ. Kết quả cho thấy: quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm tương đối ổn định, chất lượng dịch đạm thủy phân tương đương sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chi phí sơ bộ cho 01 kg sản phẩm dịch đạm thủy phân từ nguyên liệu moi có hàm lượng Nts là 60% (trong đó 60% là Naa) khoảng 263.000 đồng; trong khi đó sản phẩm dịch đạm thủy phân từ cá tạp có hàm lượng Nts 57% (trong đó 50% là Naa) có giá bán trên thị trường khoảng 350.000 - 400.000 đồng. Tác động của quá trình sản xuất dịch đạm thủy phân từ nguyên liệu moi bằng enzyme Alcalase đến môi trường xung quanh là không đáng kể. Vì hầu như cả quá trình sản xuất không sử dụng đến hóa chất, phế liệu của quá trình sản xuất là bã thủy phân (vỏ moi) được sử dụng làm đầu vào cho quy trình sản xuất chitin.

Tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Khương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Đào tạo đã kết luận và đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng.

Thay mặt Lãnh đạo Viện, TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng cám ơn các đại biểu, cơ quan trong ngành và đơn vị có liên quan đã hợp tác, giúp đỡ và ủng hộ Viện trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

N.T.Tỉnh