Ngày 12 tháng 5 năm 2015, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan hàng không vũ trụ Pháp đã tổ chức cuộc Hội thảo Pháp-Việt với chủ đề “Công nghệ vũ trụ và các ứng dụng”. Đến dự Hội thảo có các đại biểu từ nhiều cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu và một số chuyên gia về công nghệ vũ trụ của hai nước.
Hiện nay, Công nghệ vũ trụ là một trong những hướng phát triển ưu tiên trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ cùng với cộng đồng khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam đã và đang thực hiện hơn 60 chiến lược và dự án nghiên cứu nhằm phát triển công nghệ vũ trụ và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng. Hội thảo nhằm đánh giá và mở rộng hơn nữa sự hợp tác về công nghệ vũ trụ giữa hai nước Việt-Pháp. 

 
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo.
Nguồn: MOST, 2015

            Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Các nhà khoa học Việt Nam luôn mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác nghiên cứu và phát triển với các nước có nền khoa học tiên tiến, trong đó có Cộng hòa Pháp. Minh chứng rõ nét nhất cho sự hợp tác này là Hiệp định về hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ký tháng 3/2007 cũng như các kết quả mà Chính phủ cùng và cộng đồng khoa học và công nghệ vũ trụ Việt Nam đã và đang đạt được trong nhiệm vụ thực hiện các chiến lược và dự án nghiên cứu.
Đến tham gia hội thảo, các đại biểu đã được nghe một số tham luận giới thiệu về việc ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam như các vệ tinh quan sát trái đất phục vụ ứng dụng trên mặt đất - Bản đồ sụt lún, bản đồ bão lũ, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ trong tương lai tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC), các ứng dụng địa không gian, chương trình quan trắc trái đất, ứng dụng công nghệ vũ trụ trong hoạt động quản lý tàu cá (FISTENET) và đặc biệt là ứng dụng dữ liệu hải dương học không gian dự án Movimar trong công tác sản xuất bản tin dự báo ngư trường (RIMF)…
 

Đại diện CLS, Ông Antoine Monsaingeon, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CLS trình bày các vấn đề ứng dụng công nghệ vệ tinh.
Nguồn: MOST, 2015

Về phía Pháp, tại Hội thảo, khi đề cập đến tiềm năng hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh, ông Antoine Monsaingeon, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CLS cho rằng việc ứng dụng công nghệ vệ tinh là điều cần thiết đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã rất đúng đắn khi áp dụng công nghệ vệ tinh vào nhiều lĩnh vực. Theo ông, điều này sẽ giúp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ vệ tinh trong tương lai. Ông tin tưởng trong tương lai Pháp sẽ hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam để Việt Nam có thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ vệ tinh. Cộng hòa Pháp mới đây cũng đã giúp Việt Nam trong các dự án: Chế tạo và phóng vệ tinh VNREDSat-1, triển khai thành công dự án “Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh-Movimar".
Nhìn chung buổi hội thảo đã được tổ chức thành công với sự hợp tác chặt chẽ và tích cực, Đại Sứ Quán Pháp tại VN, Cơ quan phát triển Pháp tại Việt nam - AFD, Cơ quan Hàng không vũ trụ Pháp,... đánh giá cao chất lượng của buổi hội thảo và cùng nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác Pháp-Việt trong hoạt động vũ trụ nói riêng và các hoạt động khoa học công nghệ nói chung.

Đoàn Thu Hà- Nguyễn Duy Thành