Giá dầu tăng đã khiến hàng trăm con tàu đánh bắt thủy sản xa bờ phải nằm bờ vì ngư dân thua lỗ. Việc tìm giải pháp giúp ngư dân thích nghi với giá dầu tăng cao là rất cấp bách lúc này.

Anh Văn Công Việt, một chủ tàu cá quê ở Bình Định thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Quảng Bình, tàu đang neo ở cảng cá Nhật Lệ rầu rầu than thở: Ba tháng nay biển động liên tục nên nghề biển bọn tui đói kiết.

Thêm vào đó là giá dầu tăng, nên đành chấp nhận để tàu nằm bờ dài dài. Anh Việt tính toán: Trước kia đi biển đánh được 1 tấn cá là đủ chi phí thì nay phải đánh đủ 1,5 tấn mới hoàn chi phí.

Nguồn thủy hải sản thì ngày càng cạn kiệt, phương tiện đánh bắt thì ngày càng nhiều, giá nhiên liệu lại lên. Đi thì chỉ có lỗ, mà không ra khơi thì...lỗ thêm khấu hao tàu.

Chia sẻ với tình trạng này của bà con ngư dân, lãnh đạo của Sở Thủy sản Quảng Bình cũng có những nhận định tương đồng: Giá dầu tăng cao đã tác động rất lớn đến nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Chi phí cho một chuyến đi biển tăng nhưng sản lượng khai thác không tăng và giá hải sản trong thời điểm này tăng không đáng kể đã khiến cho nhiều tàu xa bờ phải nằm bờ vì các chủ tàu sợ thua lỗ.

Riêng Quảng Bình, hiện có gần 3.500 tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, trong đó trên 150 tàu xa bờ có công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Chi phí cho mỗi chuyến đi biển từ 7-10 ngày khoảng 20-25 triệu đồng, trong đó tiền dầu trên 15 triệu đồng (với giá cũ của dầu diesel 5.500 đồng/lít).

Còn với giá dầu diesel trên 10 ngàn đồng như hiện nay thì chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt gần gấp đôi. Xã vùng biển Đức Trạch đã thống kê, trong số 350 tàu thuyền các loại của xã, các tháng trong mùa đánh cá vụ bắc, sau mỗi chuyến ra khơi mỗi tàu lỗ 4-5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Phong ở Bảo Ninh, chủ tàu đánh bắt xa bờ có công suất vào loại lớn nhất của Quảng Bình hiện nay (320 CV) cho biết, một chuyến đi biển của anh “ngốn” chừng 4-5 tấn dầu nhưng đã có chuyến đi về không. Cuối tháng 9/2007, anh được Trung tâm khuyến ngư hỗ trợ một phần để thí điểm lắp đặt máy dò cá ngang.

Với thiết bị tìm luồng cá hiện đại đó may ra mới có thể hạn chế được việc tiêu phí nhiên liệu không cần thiết khi đi tìm bãi cá. Và như thế ngư dân mới có cơ hội hoàn chi phí và dần dần có lãi trong khai thác đánh bắt...mùa xăng dầu tăng giá.

Sống chung với giá dầu biến động bằng cách nào?

Trước thực trạng tàu xa bờ nằm bờ hàng loạt này, ông Trần Đình Du, Quyền Giám đốc Sở Thủy sản Quảng Bình lo lắng: Thời gian tới chắc chắn sản lượng đánh bắt hải sản sẽ khó đạt được như kế hoạch đề ra. Thứ nữa, chúng ta đang khuyến khích đánh bắt xa bờ, vươn tới ngư trường chung, nếu vì giá dầu tăng mà ngư dân chỉ luẩn quẩn khai thác, đánh bắt gần bờ để tiết kiệm dầu thì nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thềm lục địa là điều có thể thấy được.

Một tương lai ảm đạm hơn nữa có thể dự báo trước đó là việc, vì thua lỗ nên tàu xa bờ phải nằm bờ, dẫn đến việc các liên danh, HTX nghề cá phá sản vì nợ nần, nguy cơ vỡ làng nghề cá cũng cần phải được tiên lượng.

Rõ ràng, việc tìm giải pháp đối phó với giá xăng dầu tăng, giúp ngư dân khai thác có hiệu quả trong thời điểm này là vấn đề rất khó của ngành Thủy sản.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã từng nhận định, xăng dầu rồi sẽ còn tăng giá. Về lâu dài, ngành Thủy sản xác định phải chung sống với giá dầu.

Ông cho rằng, cần học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ những mô hình ngư dân đã thành công trong việc giảm thiểu tác động của giá dầu như liên kết tổ, đội sản xuất, mở thêm tàu dịch vụ, cung ứng nhiên liệu. Hay như việc chuyển đổi sang nghề đánh bắt khác mà chi phí nhiên liệu ít hơn, nhưng phương án này đòi hỏi phải có thời gian.

Ở Quảng Bình, có thể coi cách làm của HTX đánh cá Nhật Lệ II là một gợi ý cho mô hình tàu đánh bắt xa bờ mùa xăng dầu tăng giá. Trước đây HTX này có 10 thành viên, mỗi thành viên cùng góp 100 triệu đồng để nhận tài sản chuyển đổi là một tàu đánh cá xa bờ. Từ cơ sở ban đầu đó, các thành viên “chung lưng đấu cật”, chắt bóp sắm thêm 2 tàu nữa, đưa tổng công suất của đội tàu lên 500 CV.

Trong những chuyến vươn khơi, một tàu làm nhiệm vụ trung chuyển sản phẩm và cung ứng nhiên liệu, thực phẩm cho 2 tàu còn lại. Với cách làm này nên chi phí về nhiên liệu được giảm thiểu, thời gian bám biển được dài ngày hơn và hiệu quả khai thác, đánh bắt cao hơn.

Nguồn www.ficen.org.vn