Do thiếu quy hoạch, các nhà máy (NM) chế biến thuỷ sản (CBTS) liên tiếp phát triển trong khi nguồn nguyên liệu không đảm bảo, đã khiến cho nhiều NM hoạt động cầm chừng.

Quy hoạch nguồn nguyên liệu - chuyện không mới, nhưng đầy bức xúc khi mùa tôm năm nay gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Tôm chết, cá khó nuôi

Thống kê chính thức của Tổng cục Thủy sản - Bộ NNPTNT cho biết, diện tích nuôi trồng (NT) TS bị thiệt hại trên cả nước lên đến 81.782 ha - bằng 294% so với năm 2010. Tôm sú vẫn là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất – hơn 78.000 ha, tôm thẻ chân trắng 2.933 ha. ĐBSCL chiếm hơn 90% diện tích tôm nuôi cả nước, với 594.421 ha thì có đến hơn 60.000 ha bị thiệt hại. Tỉnh Sóc Trăng thiệt hại đến 28.477 ha, tỉnh Bạc Liêu 16.000 ha...

Đáng chú ý là tình trạng tôm chết xảy ra ngay đầu vụ và cả ở mô hình công nghiệp, bán công nghiệp nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng toàn vùng. Ở những diện tích khắc phục lại, bà con nông dân nuôi theo mô hình quảng canh nên năng suất thấp. Tôm nuôi bị thiệt hại, giá đầu vào tăng, nhưng thị trường cần nên đẩy giá tôm sú lên mức kỷ lục: Tôm loại 20 con/kg có giá từ 250.000 – 280.000 đồng/kg; loại 30 con/kg lên đến 200.000 – 220.000 đồng/kg... Ông Nguyễn Văn Thanh - xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), vừa bán xong 1,5 tấn tôm - trầm ngâm: “Tôm có giá quá, nhưng bây giờ làm gì có tôm bán. Chính giá tôm cao đã tạo tâm lý nóng vội trong việc thả nuôi khắc phục hậu quả tôm chết, trong khi xử lý môi trường chưa đạt chuẩn. Tôm nuôi đã chết càng chết, tôm nuôi đã khó càng khó”.

Trong khi đó, con cá tra, cá ba sa tại ĐBSCL năm nay cũng được đánh giá là có mức giá cao kỷ lục: Hiện cá đúng chuẩn đã lên đến 28.000 đồng/kg, cá quá lứa (hơn 1,2 kg/con) cũng có giá đến 22.000 đồng/kg. Nguyên nhân được xác định là ngay đầu vụ, con cá đã bấp bênh, giá thức ăn tăng cao tạo tâm lý chán chường cho người nuôi, nay giá cao thì không còn cá để bán.

Tôm nuôi tăng giá kỷ lục trong khi nông dân hết tôm, nhà máy tìm đỏ mắt cũng không đủ để chế biến. Ảnh: N.H

Không thiếu nguyên liệu mới lạ

Nguồn nguyên liệu cho CBTS xuất khẩu từ đầu năm đến cuối năm được dự báo không có gì khả quan. Trong khi đó, các NM CBTS phải tăng cường thu mua để đảm bảo số lượng xuất khẩu theo hợp đồng. Chính điều này vô hình trung đẩy các NM rơi vào tình cảnh khó khăn. Ông Chu Văn An - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) - bức xúc: “Con tôm ở VN giá cao hơn Thái Lan 12.000 đồng, cao hơn các nước khác trong khu vực 14.000 đồng. Chúng tôi đang thu mua với giá rất cao, nhưng hầu như không thể đáp ứng 50% cho các NM CBTS xuất khẩu. Nhập tôm nguyên liệu thì chưa có chủ trương và chúng tôi cũng không muốn làm chuyện này”. Theo đánh giá của VASEP, khả năng từ đây đến cuối năm giá tôm, cá nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng do Thái Lan đang đối mặt với trận lụt lịch sử, Ấn Độ mất mùa. Cũng chính vì vậy, chuyện thiếu nguyên liệu cho CBTS xuất khẩu là điều hiển nhiên.

Ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - thừa nhận, về phía Nhà nước, hiện chưa xây dựng quy hoạch vùng nuôi cho các NM CBTS. Cà Mau có đến 266.000 ha mặt nước NTTS, nhưng chỉ có chưa đến 4.000 ha nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp. Vậy mà có đến 37 NM CBTS, mỗi năm cần hơn 200.000 tấn nguyên liệu, tỉnh chỉ đáp ứng được phần nào.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương cho rằng, về lâu dài phải quy hoạch lại sản xuất cho ngành TS theo hướng áp dụng khoa học công nghệ vào vùng nuôi; nâng cao năng suất, sản lượng; gắn quy hoạch vùng nguyên liệu với các NM CBTS cho cả 2 TS chủ lực là con tôm sú và con cá tra, cá ba sa.

Trong khi chờ đợi những quy hoạch có tính chiến lược này, các NM CBTS ở ĐBSCL tiếp tục đối mặt với bài toán thiếu nguyên liệu, ít nhất là đến giữa năm 2012.

Nhật Hồ

Nguồn tin: Lao Động, 03/11/2011