Cách đây 2 năm, vùng duyên hải miền Trung đã từng bị nạn dùng đèn cao áp đánh bắt thủy sản (dân vùng này gọi là pha xúc) hoành hành. Còn hiện nay, vùng biển Cà Mau cũng đang là “trận địa” màu mỡ để ngư dân địa phương và các tỉnh lân cận “oanh tạc”. Những cái được xem là cải tiến kỹ thuật trong biện pháp đánh bắt thủy sản nay lại trở thành phương tiện hủy diệt nguồn tài nguyên sinh thái biển một cách công khai...

HIỂM HỌA TỪ ĐÈN CAO ÁP

Hết con nước đánh bắt trên biển của ngư dân, tại một số cửa biển lớn của tỉnh Cà Mau như Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc và Khánh Hội, tàu đánh cá đậu kín lối ra vào hai bên bờ sông. Số tàu cá sử dụng kỹ thuật bóng đèn cao áp trong đánh bắt thủy sản chiếm đa số và nó đã vượt mức qui định một cách nghiêm trọng.

Anh Phạm Thành Lợi, chủ tàu câu mực ở Sông Đốc, cho biết: “Làm nghề đánh bắt thủy sản có sử dụng đèn mà không sắm đèn công suất lớn thì ra biển chỉ nhìn người ta thu hoạch, còn mình chạy tàu không vào bờ. Nếu như trước đây tàu có tổng công suất ánh sáng khoảng 10.000W thuộc “tóp ten” thì bây giờ đã gấp mấy chục lần, thậm chí hàng trăm lần”. Tàu của anh Lợi thuộc hạng trung bình ở Sông Đốc cũng đã có 25 bóng đèn loại 3.000W (25 x 3.000 = 75.000W). Còn tàu loại “nhà giàu” có đến 40 - 45 bóng, trong đó có cả bóng 5.000 W. Để đáp ứng điện cho dàn đèn này, chủ tàu đầu tư máy phát điện và bình đi -mô loại 30 - 50 ký, chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tại vùng biển Cà Mau, các tàu có sử dụng đèn dạng này thường hoạt động nghề câu mực và nghề lưới. Với những tàu làm nghề câu, khi ra biển người ta bật đèn lên và thả neo ở mức tàu trôi nhẹ theo nước, chủ yếu câu mực. Trong quá trình câu, thỉnh thoảng họ lại tắt một bên đèn (dụ cá) và thả lưới vây xung quanh (ngư dân Cà Mau gọi là “giựt”) lưới chùng xuống như bọng vó, rồi bất ngờ bật đèn hết công suất và cho kéo lưới lên. Trong bọng lưới có đầy đủ các loại thủy sản trên biển, kể cả những con cá còn mọng nước nhỏ như cây tăm. Còn tàu hoạt động nghề lưới thì 1 hoặc 3 tàu của các chủ hợp sức lại cùng vây lưới pha đèn để đánh cá. Họ cũng cho tàu chạy chậm, bật đèn sáng nhẹ và theo dõi dò luồng cá. Khi phát hiện có cá, lập tức cả 3 tàu cùng bật đèn sáng mạnh và vây lưới. Gặp phải cảnh tượng này, cá nhỏ thì nổ mắt, cá lớn khỏe cũng bị xung huyết mắt và hầu hết đều bị choáng.

Theo các nhà hải dương học và cơ quan bảo vệ ngư trường, việc đánh bắt cá bằng đèn cao áp quá mức cho phép của Bộ Thủy sản là “hung thủ” chính trực tiếp hủy diệt tài nguyên sinh thái biển, ngay cả các vi sinh đang sinh sản cũng rất khó tồn tại. Với cách đánh bắt này, nhiều loại thủy sản bị chết hoặc nằm lại dưới đáy biển trong khi thu được chỉ là số ít. Có thể nói đánh bắt thủy sản bằng đèn cao áp cũng giống như dùng thuốc nổ đánh cá trên biển.

Theo qui định của Bộ Thủy sản, tàu đánh cá có sử dụng ánh sáng chỉ cho phép mỗi bóng đèn có công xuất từ 300W- 500W và tổng ánh sáng không quá 10.000W. Thế nhưng, trên thực tế việc dùng đèn quá công suất cho phép để đánh bắt đang ở mức báo động.

ĐẾN CÀO MÉ, TE RUỐC

Mỗi ngày trên vùng biển Cà Mau có hàng ngàn chiếc tàu hoạt động giã cào. Chỉ tính riêng ở cửa biển Sông Đốc mỗi ngày các nhà máy mua vào trên dưới 1.000 tấn cá phân. Nhưng điều nguy hại hơn mà nghề cào gây ra là môi trường sinh thái và tài nguyên biển bị hủy diệt đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, cào mé và te ruốc của ngư dân Cà Mau là thủ phạm tích cực tham gia hủy diệt nguồn tài nguyên sinh thái biển.

Thời gian qua, một số bà con ở ven biển Cà Mau có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đóng tàu lớn ra biển đánh bắt, nên sử dụng phương tiện nhỏ xin đăng ký hoạt động nghề đẩy ruốc trong vùng nước cạn. Theo chu kỳ sinh sản, con ruốc chỉ sinh sản nhiều vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 6 trong năm. Cùng thời gian này, các loại thủy sản khác cũng tìm vào bãi cạn để sinh sản. Với kích cỡ con ruốc còn nhỏ hơn đầu đũa, trong khi đó loại lưới làm te rất dày, nên trong quá trình đẩy te bắt ruốc các loại sinh vật khác cũng vào theo. Bên cạnh đó, loại phương tiện này thường dùng máy xe ô tô loại lớn đặt dưới tàu nên sức đẩy rất mạnh và đi nhanh làm lớp bùn bị quấy đục nổi lên gây ô nhiễm môi trường nước.

Kiểu khai thác này, ngành thủy sản không có chủ trương cho hoạt động, nên tất cả các phương tiện cho nghề này không được đăng ký cấp giấy phép hoạt động (mà chỉ do chính quyền địa phương ký phép gọi là tạo điều kiện giải quyết việc làm). Số phương tiện này không xuất hiện ở nơi có Trạm kiểm soát biên phòng và Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mặc dù trong năm chỉ được phép hoạt động 2 tháng nhưng trên thực tế nhiều người vẫn lén lút ra biển hoạt động.

NHỮNG CẢNH BÁO

Ông Phạm Thế Tài, Đội trưởng Đội kiểm ngư thuộc Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cả hai hình thức hoạt động te ruốc và giã cào đều là thủ phạm tàn phá môi trường sinh thái biển và hủy diệt vô số nguồn lợi thủy sản. Nhưng để có giải pháp ngăn chặn ngành nghề này quả thật rất khó khăn, vì đa số những người hoạt động nghề này đều nghèo khó. Bắt phạt hay tịch thu ngư cụ thì được đó, nhưng rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao?”. Ông Tài còn cảnh báo: “Thời gian qua, không chỉ ngư dân sử dụng đèn cao áp quá quy định, đẩy te ruốc, cào gần bờ làm thiệt hại đến tài nguyên biển, mà người dân vùng ven biển kể cả trong các kinh, rạch thì lại sử dụng xung điện (kích điện) để tận diệt cá, tôm và các nguồn lợi thủy sản khác”.

Hầu hết ở các cửa biển trong tỉnh Cà Mau đều có kiểu đánh bắt xung điện, với nhiều dạng, kích cỡ và cường độ dòng điện phát ra khác nhau, tùy thuộc vào nghề, phương tiện đánh bắt và khu vực hoạt động mà người dân chế tạo ra. Theo thời gian, nó càng “hiện đại” và tàn phá ở tầm lớn hơn. Khi đặt máy phát điện trên ghe, hạ miệng lưới cào xuống sát mặt biển, cho tàu chạy và bấm nút thì tất cả cá, tôm và ấu trùng nhỏ bé đều bị dòng điện trên 220V diệt sạch.

Đáng báo động là loại xung điện có dòng điện lớn được ngư dân trang bị khá công phu và hoạt động ở tầm rộng lớn ngoài biển. Đây là phương thức đánh bắt hết sức nguy hại, có sức tàn phá nguồn lợi không thua kém gì sử dụng thuốc nổ. Năm 2006, Đội tuần tra kiểm ngư thuộc Phòng Thanh tra Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau đã phát hiện, xử lý 18 phương tiện hoạt động đánh bắt bằng xung điện, nhưng chỉ 7 tháng đầu năm nay đã phát hiện 28 vụ. Tình hình sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trên biển đang gia tăng.

Theo các cán bộ kiểm ngư, xung điện loại lớn này (trên 220 vôn) có dòng điện khá mạnh, tầm sát thương khoảng 10 mét rộng, luồng điện bắn về phía trước khoảng 3 mét. Con tàu lao đến đâu thì tất cả thủy sản lớn nhỏ đều chết tại chỗ trước khi bị miệng te xúc lên. Mặc dù các lực lượng bảo vệ biển rất vất vả trong đấu tranh dẹp bỏ kiểu đánh bắt này nhưng vẫn không có chiều hướng giảm. Phần lớn những ngư dân sử dụng xung điện đều khó khăn trong cuộc sống, họ bất chấp thủ đoạn miễn sao qua mặt được các cơ quan chủ quản để hoạt động.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học liên Chính phủ, đã cảnh báo: “Dưới đáy biển có một thảm cỏ biển, rong biển. Nó được ví như bộ máy lọc nước của đại dương. Phá vỡ môi trường tự nhiên và tính đa dạng sinh học của đáy biển, trứng cá, tôm chưa kịp nở ra đã bị vỡ hòa vào nước bùn đen, đây thật sự là hiểm họa của đại dương”.

Nguồn tài nguyên biển thật vô cùng quý giá cho đất nước. Nó còn là thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cần được giữ gìn và khai thác có hiệu quả. Với những kiểu đánh bắt tận diệt như trên, vùng biển Cà Mau đang bị “bức tử” một cách đáng báo động.

(Báo Cần Thơ, 19/11/2007)