Ngày 4/5, một thoả thuận quan trọng đã được ký kết nhằm chấm dứt khai thác bằng lưới kéo đáy ngoài khơi - một trong những hoạt động khai thác mang tính huỷ diệt nhất trên thế giới - ở nam Thái Bình Dương.

Thoả thuận này được ký tại một hội nghị nghề cá quốc tế tổ chức tại Renaca, Chilê với sự tham gia của 20 nước thuộc Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực nam Thái Bình Dương, bao gồm phần lớn các quốc gia có nghề khai thác xa bờ trên thế giới, nhằm bảo vệ nguồn lợi biển và hệ sinh thái dễ bị tổn thương ở 1/4 đại dương của thế giới, từ Ôxtrâylia đến Nam Mỹ và từ Ecuađo đến Nam Cực.

Ông Alistair, một cố vấn về chính sách vùng biển ngoài khơi của WWF cho biết, thoả thuận trên là một bước ngoặt lớn hướng tới việc chấm dứt sự sụt giảm về đa dạng sinh học ở đại dương và thiết lập quản lý nghề cá tốt hơn đối với vùng biển ngoài khơi.

Theo thoả thuận, hoạt động khai thác bằng lưới kéo đáy từ các vùng biển xa bờ nơi có các hệ sinh thái dễ bị tổn thương sẽ bị cấm cho đến khi thực hiện được một đánh giá đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của nghề này và các biện pháp phóng tránh sự phá huỷ nguồn lợi biển, như các loài thủy sản, san hô và bọt biển.

Thoả thuận trên bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 30/9. Tất cả các tàu lưới kéo đáy xa bờ bắt buộc phải có các quan sát viên để đảm bảo việc tuân thủ các quy định. Chi phí cho các quan sát viên do các tàu khai thác trả. Điều này, cùng với giá nhiên liệu tăng và yêu cầu tiến hành nghiên cứu và đánh giá nghề cá sẽ làm tăng chi phí đánh bắt và có thể khiến cho nghề khai thác bằng lưới kéo đáy xa bờ không còn đem lại hiệu quả kinh tế và từ đó sẽ có tác dụng chấm dứt nghề này.

Theo Sino.net, www.nghean.gov.vn