Philipin là một phần của “tam giác san hô” bao quanh miền đông Inđônêxia, nhiều vùng của Maliaxia, Papua New Guinea, Đông Timo và hòn đảo Solomon. Diện tích tam giác san hô bằng một nửa diện tích Hoa Kỳ.

Mặc dù nước này có 1.000 khu bảo tồn biển (MPA), nhưng chỉ có 20% trong số này đang được quản lý. Các khu bảo tồn là những khu vực được lựa chọn kỹ lưỡng ở đó vấn đề phát triển và khai thác tài nguyên thiên nhiên được quản lý để bảo vệ các loài và nơi cư trú. Ở Philipin, các rạn san hô là tài sản có giá trị kinh tế quan trọng, mỗi năm đóng góp hơn 1 tỷ USD cho nền kinh tế

Thực tế, nhiều cộng đồng ven biển ở địa phương biển không hiểu hoặc không biết rạn san hô là gì, hệ sinh thái rạn san hô tác động với nhau ra sao và tại sao chúng cần cho các ngôi làng ở nơi và phải giữ gìn và bảo tồn nó.

Các rạn san hô được xem là rừng mưa nhiệt đới của biển thu hút nhiều loài sinh vật biển. Rạn san hô cung cấp thực phẩm và nơi cư trú cho rất nhiều loài bao gồm cá, động vật giáp xác, nấm, bọt biển, cỏ biển chân ngỗng, nhím biển, rùa và ốc sên.

Một rạn san hô đơn lẻ có thể là nơi cư trú cho 3.000 loài sinh vật biển. Chúng có khả năng sinh sản trên một đơn vị diện tích gấp từ 10-100 lần sinh vật ở ngoài khơi. Ở Philipin, ước tính có khoảng 10-15% tổng số lượng cá sinh sống trong các rạn san hô.

Các rạn san hô không chỉ được xem là nơi cư trú của các loài cá biển mà còn cung cấp nguyên liệu sản xuất thuốc. Thuốc AZT điều trị bệnh Aids được sản xuất dựa vào các hóa chất chiết suất từ bọt biển ở rạn san hô và hơn một nửa số nghiên cứu về thuốc mới chữa bệnh ung thư đều tập trung vào các sinh vật biển.

Tuy nhiên, hiện nay các rạn san hô tuyệt đẹp này đang có nguy cơ suy thoái cao. Theo các nhà khoa học, 70% rạn san hô của thế giới sẽ biến mất vào năm 2050. Ở Philipin, các rạn san hô sẽ chết trong vòng 30 năm tới.

Tập bản đồ về các Rạn san hô trên thế giới do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) biên soạn, nêu rõ 97% rạn san hô ở Philipin đang bị đe dọa do các kỹ thuật đánh bắt hủy diệt gồm có đánh bắt cá bằng xyanua, đánh bắt quá mức hoặc do phá rừng và đô thị hóa làm cho chất cặn lắng nguy hại tràn xuống biển.

Năm 2007, Reef Check, Tổ chức quốc tế đánh giá sức khỏe của rạn san hô ở 82 nước cho biết chỉ có 5% rạn san hô của nước này trong “tình trạng tốt”. Đó là Công viên rạn san hô biển Tubbataha ở Palawan, đảo Apo ở Negros Oriental, rạn san hô Apo ở Puerto Galera, Mindoro, và đảo Verde.

Khoảng 80-90% thu nhập của các cộng đồng đảo nhỏ bắt nguồn từ đánh bắt. Sản lượng cá trong rạn san hô dao động từ 20-25 tấn/km2/năm đối với các rạn san hô khỏe mạnh.

Tăng dân số nhanh và áp lực ngày càng lớn của con người đến tài nguyên ven biển cũng gây suy thoái nghiêm trọng các rạn san hô. Robert Ginsburg, chuyên gia nghiên cứu về rạn san hô cho rằng con người đã phá hủy rạn san hô với tốc độ nhanh chóng. Ở các khu vực con người đang sử dụng rạn san hô hoặc nơi có đông dân, các rạn san hô bị suy giảm nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới của Joan Castro và Leona D'Agnes, cuộc sống của người dân ở Philipin gắn liền với biển. Mỗi người Philipin sống trong phạm vi 45 dặm bờ biển và mỗi ngày, hơn 4.500 công dân mới chào đời.

Các đánh giá nêu rõ nếu dân số tăng nhanh như hiện nay và sản lượng cá vẫn theo xu hướng giảm, vào năm 2010 sẽ chỉ đạt 10kg cá/người Philipin/năm so với năm 2003 là 28,5 kg/người/năm.

Nguồn: INFOTERRA VN (XL theo New Nation, 7/2008)