Hội thảo lần thứ 3 về Sinh học bảo tồn của Tổ chức BBVA đã tạo điều kiện để các chuyên gia quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất về quy mô và hậu quả của việc mất đi trên toàn cầu các khu sinh cảnh đới bờ. Sự biến mất của các hệ sinh thái này bao gồm rạn san hô, rừng ngập mặn, đất ngập nước, các thảm cỏ biển gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mất mát về đa dạng sinh học, suy giảm các nguồn tài nguyên sinh vật có thể khai thác được, giảm khả năng tích tụ CO2 của đại dương và mất đi một số giá trị về vui chơi, giải trí của vùng đới bờ. Không chỉ có vậy, bờ biền còn trở nên rất nhạy cảm với sự xói mòn ngày càng tăng gây ra bởi hiện tượng mực nước biển dâng cao.

Carlos Duarte, nhà nghiên cứu tại Spanish Council for Scientific Research và điều phối viên của hội thảo cho "các sinh cảnh biển đang biến mất với tỷ lệ khoảng từ 1,2% đến 9% trong một năm và hiện nay đang là những hệ thống bị đe dọa nhất của sinh quyển với tỷ lệ mất đi từ 4 đến 10 lần nhanh hơn so với các hệ sinh thái của rừng mưa nhiệt đới."

Có nhiều nguyên nhân gây ra những mất mát này và bao gồm "sự bùng nổ dân số tại các vùng đới bờ là nơi hiện nay có số lượng dân số chiếm 60% số dân của thế giới cùng với sự phát triển các đô thị, việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sự phát triển này kéo theo sự hủy hoại các hệ sinh thái." Ngoài ra, lượng nitơ, phốt pho và chất hữu cơ thải bỏ tăng lên cũng làm suy giảm chất lượng nước và các lớp trầm tích tại nhiều vùng ven biển của thế giới.

Duarte còn cho biết thêm sự biến đổi khí hậu đang làm nghiêm trọng thêm các tác động của hoạt động do con người tới các sinh cảnh vùng đới bờ: "Hiện tượng nóng lên toàn cầu và kéo theo mực nước biển dâng lên và sự suy thoái các sinh cảnh vùng đới bờ làm giảm hiệu quả của các chương trình bảo tồn và gây ra các vấn đề về môi trường mang tính toàn cầu. Các vấn đề này sẽ có tác động lớn về kinh tế tới khu vực ven bờ."

Hiện tượng thiếu oxy đang gây ra tỷ lệ chết cao của các loài sinh vật biển.

Lượng Nitơ và phốt pho thải ra biển tăng lên do quá trình đô thị hóa và việc sử dụng phân hóa học trong nông nghiệp đang làm suy giảm chất lượng môi trường của các hệ sinh thải ven bờ đặc biệt ảnh hưởng tới các hệ sinh thái nhiệt đới.

Scott Nixon (Trường đại học Rhode Island, USA) giải thích rằng quá trình này được gọi là phù dưỡng không phải là một hiện tới mới gần đây mà lần đầu tiên xuất hiện cùng với việc mở rộng các hệ thống nước thoát nước thải đô thị vào nửa sau của thế kỷ 19 và đã phát triển vô cùng nhanh chóng kể từ năm 1970. Theo, "chúng ta đang chứng kiến số lượng ngày càng tăng hiện tượng thiếu ôxy tại các hệ sinh thái vùng đới bờ " là hiện tượng mà nồng độ oxy trong nước giảm xuống đến mức gây chết các loài sinh vật biển.

Giáo sư Nixon tiếp tục giải thích "có mối liên hệ giữa sự hủy hoại về sức khỏe gây ra bởi việc tiêu thụ quá mức thực phẩm từ thịt và sự hư hại đối với các hệ sinh thái vùng đới bờ gây ra bởi việc thải bỏ quá mức Nitơ là kết quả của quá trình sản xuất thực phẩm từ thịt."

Cảnh báo đối với vùng Địa Trung Hải: Mối đe dọa tới các vùng cỏ biển Posidonia

Núria Marbà, là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cấp cao Địa Trung Hải (Imedea) đã nói về những kết quả của dự án Praderas do tổ chức BBVA tài trợ. Các kết quả này cho thấy hầu hết các vùng cỏ biển Posidonia oceanica tại Địa Trung Hải – là các hệ sinh thái vô cùng giá trị với những chức năng và vai trò đặc biệt của chúng – đã và đang bị giảm diện tích một cách nghiêm trọng trong vòng 40 năm qua. "Chúng tôi đã quan sát thấy tỷ lệ chết của các loài thực vật hạt kín tăng lên sau khi xảy ra hiện tượng sóng nhiệt, điều này cho thấy rằng sự suy giảm các vùng cỏ biển sẽ càng xảy ra nhanh hơn khi các vùng biển tiếp tục nóng lên."

Bà Núria Marbà giải thích các nghiên cứu được tiến hành trong dự án này cho thấy rằng các thảm cỏ biển dọc bờ biển Tây Ban Nha hàng năm đang bị mất dần khoảng 5% diện tích và thậm chí với tỷ lệ lớn hơn như năm 2003 khi nhiệt độ nước biển tăng lên cao hơn mức bình thường.

Bill Dennison, trung tâm Khoa học Môi Trường thuộc trường đại học Maryland (USA), giải thích thêm rằng "các thảm cỏ biển là các sinh cảnh quan trọng phát triển dọc các bờ biển tại các vùng nhiệt đới và ôn đới và có vai trò quan trọng về mặt sinh thái khiến chúng được coi là một trong các hệ sinh thái có giá trị nhất của sinh quyển". Người ta ước tính 54% thảm cỏ biển đã bị mất đi.

Dennison cho rằng các thảm cỏ biển phản ánh sự thay đổi về chất lượng hệ sinh thái và chúng có vai trò như là các thiết bị đo chỉ số sinh học của ô nhiễm do con người gây ra; các thảm cỏ biển này như là "những con chim hoàng yến ở các vùng mỏ than" báo hiệu về tình trạng của các hệ sinh thái vùng đới bờ và sự suy giảm các thảm cỏ biển là một dấu hiệu rõ ràng về áp lực môi trường đối với các vùng đới bờ.

Theo ông Dennison, "các báo cáo về sự thay đổi diện tích thảm cỏ biển đã ghi nhận sự mất dần diện tích này từ năm 1980 tương đương với việc mất đi một diện tích của 2 sân bóng đá cho mỗi giờ trôi qua. Một điều lo lắng nhất là những tính toán này chỉ là những ước tính ít ỏi vì chỉ có 9% các thảm cỏ biển được nghiên cứu. Vì thế tổng diện tích đã bị mất có thể tương đương tỷ lệ mất đi 10 sân bóng đá cho 1 giờ đồng hồ."

Một trong những yếu tố thúc đẩy sự mất đi này là các thảm cỏ biển không được quan tâm coi trọng mặc dù chúng rất quan trọng về mặt sinh thái: "Trong trường hợp các rạn san hô, khoảng 130 bài báo, tin tức đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng cho một nghiên cứu khoa học được công bố so với chỉ có 13 bài báo tin tức xuất hiện cho một nghiên cứu về thảm cỏ biển" ông Dennison nói thêm trước khi kết luận bằng một lời kêu gọi "một nỗ lực bảo tồn toàn cầu để ngăn chặn sự mất dần các thảm cỏ biển."

Các loài cá đóng góp vào sự phục hồi các rạn san hô

"Các tác động kết hợp của việc đánh bắt quá mức, ô nhiễm và sự thay đổi toàn cầu đã gây ra những tác động nguy hại nghiêm trọng tới các rạn san hô là những khu vực đang bị lấn át bởi sự phát triển của tảo" ôngTerry Hughes, giám đốc Trung tâm Quản lý Nghiên cứu Australia về rạn san hô khuyến cáo.

Các số liệu gần đây cho thấy 44% các rạn san hô của thế giới đã bị hủy diệt hoặc đang có nguy có biến mất. Theo ông Hughes đã quá muộn để chặn đứng hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra ngày càng nhiều dịch bệnh cho san hô nhưng chúng ta vẫn có thể chống lại hiện tượng này thông qua các quy định quốc tế nghiêm ngặt về phát thải khí nhà kính và tiến hành mọi khả năng có thể để hạn chế những hư hại đối với san hô và thúc đẩy sự phục hồi của chúng. Ông cũng chỉ ra rằng một khi san hô đã bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên toàn cầu chúng sẽ bị thay thế bởi tảo biển, đó là một điều vô cùng khó để sử chữa.

Một nghiên cứu đặc biệt do ông Hughes tiếng hành tại Vùng san hô Great Barrier của Australia đã cho thấy một quần thể cá khỏe mạnh là cách tốt nhất để giúp san hô phục hồi sau khi bị dịch bệnh hoặc sau một cơn bão lớn. "Chúng tôi quan trắc sự phục hồi của san hô nơi xảy ra hiện tượng san hô chết rất nghiêm trọng. Chúng tôi đưa lồng cá vào một số khu vực để so sánh tiến độ phục hồi giữa các khu vực có và không có mặt các lồng cá" ông giải thích.

Các kết quả đã đem lại một bằng chứng rõ ràng về tầm quan trọng của các quần thể cá đối với sự lành mạnh của san hô. Đặc biệt san hô phát triển nhanh tại các vùng có cá và tại các vùng không có cá chũng bị lấn át bởi tảo biển. "Duy trì khả năng phản ứng này của các sinh cảnh đới bờ là điều cốt yếu để có thể phục hồi chúng" ông kết luận.

Đến nay tổng diện tích đất ngập nước bị mất là 50% và của rừng ngập mặn là 35%.

Các vùng đất ngập nước ven biển và những khu rừng ngập mặn đã và đang biến mất trên bản đồ của nhiều vùng ven bờ trên thế giới. Ivan Valiela, giáo sư của Trung tâm Hệ sinh của Phòng thí nghiệm Sinh học biển Woods Hole (USA), cảnh báo rằng "sự tăng dân số sống tại các vùng ven biển đã gây nên sự hủy diệt các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn, khiến chúng mất đi 50% và 35% diện tích mỗi loại kể từ năm 1980".

Ông Valiela khẳng định rằng mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu gây ra bởi con người là một mối đe dọa lớn nhất đối với các vùng đất ngập nước và rừng ngập mặn "là những khu vực đang bị kẹp giữa mực nước biển dâng cao và sự xuất hiện ồ ạt các công trình đê điều chống xói mòn ven bờ".

Một số sự kiện gần đây cho thấy việc biến mất các hệ sinh thái này cũng làm tăng tỷ lệ chết của con người và hư hại gây ra bở bão và các thảm họa tự nhiên khác. Theo giáo sư. Valiela "sự biến mất các vùng đất ngập nước của vùng đồng bằng Mississippi đã làm tăng tác động hư hại của cơn bão Katrina đối với vùng New Orleans. Tương tự chặt phá rừng ngập mặn tại Đông Nam Á đã làm tăng rất nhiều số lượng người bị thiệt mạng trong thảm họa sóng thần xảy ra ngày 26 tháng 12 năm 2004."

Cuộc thảo luận này được đồng tổ chức bởi tổ chức BBVA và Cap Salines Coastal Research Station (Imedea-CSIC và Trường đại học của các Đảo Balearic).

Theo ScienceDaily, www.fistenet.gov.vn.