Trong 50 năm nữa, ở rất nhiều vùng trên thế giới, các sinh vật bản địa sẽ “dọn nhà” đi nơi khác, và thay vào đó là những quần thể hoàn toàn mới. Các nhà nghiên cứu tuyên bố điều này dựa trên những mô hình máy tính về sự tái định cư của động vật trong môi trường tự nhiên.

Townsend Peterson, ĐH Kankas (Mỹ) và cộng sự đã sử dụng mẫu vật trong các bảo tàng trên khắp thế giới để lập nên bản đồ phân bố của 1.870 loài thú, chim và bướm. Thông tin sau đó được kết hợp với dữ liệu môi trường của mỗi vùng, từ đó tìm ra vùng có khí hậu phù hợp nhất với mỗi loài.

Căn cứ vào những mô hình trên các máy tính cực mạnh, nhóm nghiên cứu đã suy đoán sự thay đổi của các vùng trong vòng nửa thế kỷ tới, và địa điểm mà mỗi loài có thể sống sót. Trên mô hình gần với thực tế nhất, họ nhận thấy vào năm 2050, hầu hết động vật bị thu hẹp lãnh thổ. Có tới 2,4% tổng số loài bị mất hơn 90% địa bàn hoạt động, và bị đẩy tới nguy cơ tuyệt chủng.

Tác động của biến đổi khí hậu diễn ra yếu nhất tại các vùng núi, và mạnh nhất ở các vùng đồng bằng như sa mạc Chihuahuan, nơi đây có khoảng một nửa trong tổng số sinh vật sẽ bị thay thế.

Xáo trộn trong hệ sinh thái có thể là hệ quả quan trọng nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Và vì thế, theo nhà sinh học tiến hóa Craig Moritz, Đại học California (Berkeley), có lẽ chúng ta sẽ phải thay đổi các ưu tiên bảo tồn. “Hiện tại, các khu bảo tồn có xu hướng nằm rải rác. Nhưng nếu khí hậu thay đổi, các loài sẽ di cư và những khu dự trữ thiên nhiên này có nguy cơ mất đi động, thực vật hoặc sinh cảnh mà họ muốn gìn giữ. Vì thế, cần tạo ra mạng lưới các khu bảo tồn, cho phép các loài có thể chuyển vùng lãnh thổ để theo kịp với biến động của môi trường”, Moritz nói.

Các nhà khoa học cho biết kết quả nghiên cứu trên có thể giúp họ ứng phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, họ cũng thú nhận rằng không chính sách nào có thể cứu sống được tất cả các loài, chỉ bảo vệ được một số trong đó mà thôi.

B.H. (theo Nature, vnexpress)