Đứng trước thực trạng nguồn lợi động vật đáy biển có giá trị kinh tế đang ngày càng khan hiếm, Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn lợi động vật đáy có giá trị kinh tế, quý hiếm ở vùng biển Bạch Long Vỹ và Cát Bà”. 


Cán bộ nghiên cứu khảo sát ở đáy biển Bạch Long Vỹ

 Nghiên cứu cho thấy, nguồn lợi động vật đáy ở Cát Bà đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng, có thể dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi. Trong đó, một số loài phổ biến như tu hài, vẹm xanh, trai ngọc nữ có mật độ rất thấp, có thể dẫn đến tình trạng diệt vong của loài trong tự nhiên. Riêng loài bào ngư từng phân bố ở vùng biển Đông Nam Cát Bà nhưng đến nay không còn bắt gặp chúng ở đây nữa. Tại Bạch Long Vỹ, nguồn lợi động vật đáy biển phong phú hơn ở Cát Bà nhưng đang chịu áp lực khai thác mạnh mẽ. Hiện trạng quần đàn tự nhiên phần lớn là cá thể nhỏ.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm nuôi phục hồi một số loài động vật đáy có giá trị kinh tế như tu hài, trai ngọc, hải sâm, bào ngư làm cơ sở cho việc đề xuất đối tượng, cách thức nuôi phù hợp. Qua đó, đề xuất được mùa vụ, kích thước khai thác và khả năng khai thác bền vững cho từng loài động vật đáy ở Cát Bà và Bạch Long Vỹ. Ở Cát Bà, cần cấm khai thác các loài: P.viridis, L.rhynchaena, P.penguin; hạn chế khai thác tu hài, vẹm xanh, trai ngọc, ốc đụn trong mùa sinh sản của chúng. Tại Bạch Long Vỹ, cần hạn chế khai thác loài bào ngư chín lỗ trong mùa sinh sản. Ở cả hai vùng biển trên, chỉ nên khai thác 50% trữ lượng của nhóm kích thước trưởng thành của các quần đàn có khả năng khai thác.

Viện Nghiên cứu Hải sản cũng kiến nghị, cần có kế hoạch bảo tồn duy trì sự tồn tại loài mang tính phù hợp với hiện trạng từng khu vực biển. Cùng với đó, cần thiết lập khu bảo tồn biển tại Bạch Long Vỹ và Cát Bà, thiết lập chế tài quản lý và triển khai bảo tồn đa dạng sinh học, lấy đây là cơ sở cho việc tiến hành các hoạt động bảo vệ quản lý và phát triển các đối tượng động vật đáy quý hiếm đang bị đe dọa. Xây dựng kế hoạch quản lý dài hạn tại hai khu vực trên nhằm định hướng phát triển bền vững hơn. Đặc biệt, đối với bào ngư – sản phẩm đặc hữu của Bạch Long Vỹ, nhóm nghiên cứu cho rằng, cần có định hướng kế hoạch sinh sản nhân tạo, nuôi thương phẩm bào ngư để chủ động nguồn lợi, tăng sản lượng, tạo nghề nuôi cho người dân trên đảo.

H.Đ.Chiều

(Nguồn từ Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng)