- Cá ngừ đại dương được sử dụng chủ yếu ở dạng thức ăn tươi sống (shasimi) và chế biến thành sản phẩm cá ngừ hun khói, đóng hộp... Sơ chế và bảo quản ngay từ lúc mới kéo cá lên tàu là công đoạn đầu tiên, cực kỳ quan trọng, quyết định hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến ra khơi. Nhưng, công đoạn này với ngư dân VN vẫn là "lực bất tòng tâm!"

3 tháng đầu năm 2007 được xem là thời điểm được mùa cá ngừ nhất từ trước đến nay, mỗi chiếc tàu đi biển trở về đánh bắt được 1-1,5 tấn cá, nhưng tâm trạng "mừng mà lo" vẫn bao trùm bến cá. Sản lượng tăng, chất lượng giảm, người bán "đau đầu" mà người mua cũng "bó tay".

Phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân mới được hoán cải từ tàu làm nghề câu mực, câu cá chuồn, giã cào... Hầm chứa cá chật hẹp và không cách nhiệt nên không giữ được độ lạnh thích hợp trong thời gian dài, trong khi 100% chủ tàu đều  bảo quản sản phẩm bằng đá lạnh xay.

Đó là phương pháp cổ điển nhất và cũng là cách làm duy nhất cho đến nay, nhưng khổ nỗi, gần đây tất cả các chủ tàu đều kéo dài thời gian đi biển với hy vọng đánh bắt được nhiều hơn để bù lại khoản chi phí tăng vọt do "trượt giá" xăng dầu và lương thực. Hậu quả tất yếu là cá không tươi nguyên nên giá trị xuất khẩu thấp.

Cá ngừ đại dương đánh bắt được thường có khối lượng từ 25-70kg/con, nhu cầu thị trường đòi hỏi bảo quản nguyên con (có nội tạng hoặc không có nội tạng). Giá bán cá tươi nguyên con (loại từ 30kg /con trở lên) cao gấp 5 lần cá chế biến đông lạnh.

Khoảng 60% lượng cá ngừ thu mua từ tàu đánh cá của ngư dân Khánh Hòa có thể "bay" thẳng sang Mỹ, Nhật Bản ; nhưng chỉ 30% cá ngừ của Bình Định, Phú Yên hoặc các địa phương khác xuất khẩu được nguyên con. Nhờ bảo quản tốt sau khai thác nên giá cá tại Khánh Hòa luôn luôn cao hơn các tỉnh lân cận.

Ông Trần Ba, thợ câu ở phường Xương Huân (Nha Trang) giải thích: "Ban đầu chúng tôi ướp cá ngừ bằng đá lạnh giống như cách làm của các địa phương khác, nhưng sau đó được kỹ sư chế biến của các công ty thu mua hướng dẫn kỹ thuật xử lý, bảo quản sản phẩm trên tàu. Nghề dạy nghề, bước chân lên tàu đánh cá ngừ ngư dân phải thuộc lòng bài học bảo quản sản phẩm sau đánh bắt".

Hiện tại, một số chủ tàu ở Bình Định, Phú Yên đã  học tập kinh nghiệm của Khánh Hòa, tùy theo khả năng tài chính, từng bước cải tạo hệ thống hầm bảo quản cá trên tàu, sử dụng vật cách nhiệt polyurethan thay thế xốp thông thường, xử lý ngâm hạ nhiệt cá trước khi đưa vào ướp đá bảo quản và thực hiện đầy đủ quy trình bảo quản cá sau khai thác.

Mục tiêu từ nay đến năm 2020 phát triển nghề sản xuất cá ngừ đại dương thành một nghề sản xuất công nghiệp, hiện đại, ổn định và hiệu quả. Phát triển số lượng tàu câu cá ngừ công nghiệp 150 chiếc, tàu đánh cá truyền thống 2.000 chiếc lưới vây cơ giới 10 chiếc và lưới vây bán cơ giới 1.000 chiếc. Sản lượng khai thác đạt 40.000 tấn, sản lượng chế biến, xuất khẩu 35.000 tấn. Nguồn: Viện Nghiên cứu Hải sản và Bộ Thuỷ sản.

Hồng Chung, www.laodong.com.vn