Ngày 09/01/2015, Viện nghiên cứu Hải sản đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu chỉ đạo Hội nghị

           Đến dự Hội nghị gồm có: TS. Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, TS. Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục Trưởng, Tổng cục Thủy sản, TS. Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ KHCN & HTQT (Tổng cục Thủy sản); Ông Đỗ Gia Khánh – Phó Giám đốc thường trực Sở KHCN, thành phố Hải Phòng; Ông Nguyễn Tự Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng; Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trưởng/phó các đơn vị, chủ nhiệm các đề tài/dự án thuộc Viện. Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
 Hội nghị đã nghe ThS. Nguyễn Viết Nghĩa trình bày Báo cáo kết quả hoạt động KHCN năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Viện nghiên cứu Hải sản. Nhìn chung, trong năm 2015, với quyết tâm chung của toàn thể cán bộ, viên chức, các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Việnbám sát đề án tái cơ cấu ngành thủy sản, Viện đã triển khai thực hiện tốt 35 nhiệm vụ KHCN(đề tài/dự án, nhiệm vụ, hợp đồng…), tăng 135% so với năm 2014 trong đó có: 07 đề tài cấp Nhà nước; 02 dự án thuộc sự nghiệp kinh tế của Bộ; 03 dự án thuộc Đề án 47; 07 đề tài nghiên cứu cấp Bộ; 02 nhiệm vụ khuyến ngư; 11 đề tài cấp Tỉnh; 03 dự án hợp tác quốc tế. Đã nghiệm thu 09 nhiệm vụ (01 xuất sắc, 07 khá và 01 đạt). Đã đạt 01 giải pháp hữu ích; 01 sáng kiến cấp Bộ và 8 sáng kiến cấp Viện; Đề xuất 04 giải pháp hữu ích; 04 sáng kiến cấp Bộ. Kết quả các nhiệm vụ đều được ứng dụng trong quản lý và sản xuất.
Các kết quả khoa học công nghệ nổi bật phục vụ công tác quản lý bao gồm:  Điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản và nghề cá biển; Điều tra ĐDSH và nguồn lợi ở vùng ven bờ; Đánh giá nguồn lợi hải miên ở biển Việt Nam; Dự báo ngư trường khai thác hải sản; Điều tra đánh giá nguồn lợi hải sản ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ; Đánh giá nguồn lợi ghẹ xanh ở Kiên Giang; Điều tra nguồn lợi cá cơm ở biển Tây Nam Bộ; Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ Việt Nam; Điều tra phân bố cường lực khai thác hải sản ở vùng biển Đông Nam Bộ; Đánh giá nguồn lợi sứa ở biển Việt Nam; Đánh giá đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô; Đề xuất mở rộng mạng lưới các khu bảo tồn biển; Điều tra, quan trắc môi trường biển; Mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá
Các kết quả khoa học công nghệ nổi bật – Các quy trình công nghệ có triển vọng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất bao gồm: 1. Công nghệ lưới vây đuôi khai thác cá ngừ; 2. Công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương; 3. Quy trình công nghệ dự báo ngư trường khai thác; 4. Công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu lưới kéo; 5. Công nghệ nuôi sinh khối tảo Na-no N. Oculata làm thực phẩm chức năng; 6. Sản xuất thực phẩm chức năng từ tảo N. Oculata; 7. Công nghệ sản xuất bột đạm thủy phân; 8. Công nghệ sản xuất nước mắm chất lượng cao; 9. Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ (Bạch Long Vĩ); 10. Quy trình nuôi thương phẩm cá ngừ đại dương; 11. Quy trình sản xuất giống cá ngừ đại dương; 12. Quy trình sản xuất giống nhân tạo rạm; 13. Quy trình nuôi thương phẩm cá đối mục; 14. Quy trình nuôi ghép cá măng với tôm sú.
 Các lĩnh vực nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản, môi trường, dự báo ngư trường khai thác hải sản, công nghệ khai thác và sau thu hoạch, đa dạng sinh học, sinh sản nhân tạo và nuôi biển đều có những thành tựu đáng kể.  Nguồn số liệu khẳng định trữ lượng nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam ước tính khoảng 4,36 triệu tấn, giảm 0,71 triệu tấn (12,9%) so với giai đoạn 2000-2005 (5,07 triệu tấn) trong đó cá nổi nhỏ khoảng 2,6 triệu tấn, cá đáy 0,6 triệu tấn, cá nổi lớn 01 triệu tấn. Nguồn lợi từng nhóm của từng vùng biển đã được đánh giá.  Lĩnh vực dự báo ngư trường khai thác đã có dự báo khai thác cá ngừ theo hạn mùa, hạn tháng và quy mô 10 ngày trên trang điện tử của Tổng cục Thủy sản và Viện nghiên cứu Hải sản; trên phương tiện thông tin đại chúng và qua các chi cục khai thác và mạng lưới cộng tác viên; Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đã xây dựng các chỉ tiêu quy hoạch: Quy hoạch sản lượng khai thác xa bờ; đề xuất 01 phương án quy hoạch khai thác hải sản xa bờ và các giải pháp thực hiện quy hoạch, quản lý nghề cá; Lĩnh vực đa dạng sinh học và bảo tồn biển đã đánh giá được đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rạn san hô và vùng ven đảo của 19 đảo trọng điểm của Việt Nam: Tổng số loài sinh vật biển đã ghi nhận là 2.658 loài, đề xuất lựa chọn bổ sung khu bảo tồn biển Thổ Chu vào mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam; Lĩnh vực quan trắc môi trường biển có triển vọng ứng dụng kết quả quan trắc cảnh báo vào công tác quản lý, chỉ đạo và thực tiễn sản xuất hải sản ven biển, là cơ sở quan trọng phục vụ quy hoạch, rà soát quy hoạch nuôi hải sản ven biển (đã áp dụng ở Hải Phòng). Các đề tài Khai thác và bảo quản cá ngừ đại dương, công nghệ lưới vây đuôi, bảo quản sản phẩm trên tàu lưới kéo, quy trình nuôi sinh sản cá ngừ, nuôi sinh khối tảo N. Oculata đều có những kết quả đáng kể áp dụng vào thực tiễn.
 Công tác đấu thầu và tìm kiếm nguồn tài chính cũng đã đúng hướng đi trọng yếu và sát với nhu cầu thực tiễn. Công tác quản lý khoa học tiếp tục được cải thiện. Nhiều quy định quản lý KHCN được ban hành. Hội đồng khoa học và đào tạo đã được kiện toàn. Hoạt động của Hội đồng KH và các tiểu ban ngày càng ổn định và chuyên nghiệp hơn, theo hướng tạo điều kiện hết sức về thủ tục hành chính nhưng kiểm soát ngày càng chặt chẽ các sản phẩm KHCN, nhất các sản phẩm chính. Đặc biệt ban hành và thực hiện Quy định tính điểm công trình khoa học áp dụng tại Viện làm căn cứ để để xác định thành tích nghiên cứu KH hàng năm của cán bộ khoa học.
Công tác hợp tác vẫn duy trì và có hướng phát triển khởi sắc trong thời kỳ khó khăn chung. Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác nghiên cứu trong các lĩnh vực có liên quan với các tổ chức quốc tế trên thế giới như WWF, SEAFDEC, WPCFC..., Đại học Bristish Columbia-Canada, các đoàn đến các quốc gia như Na Uy, Bỉ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canađa, Hoa Kỳ...; Đã ký kết mới được 04 MOU, thực hiện 03 dự án hợp tác quốc tế; Tổ chức 02 hội thảo quốc tế lớn tại Viện với sự tài trợ của SEAFDEC và WPCFC; Trong năm 2015 đã đón tiếp 14 đoàn quốc tế với 72 lượt người nước ngoài đến thăm, hội thảo và làm việc (Nhật, Canada, Bỉ, CLS-Pháp, Thái Lan, Mỹ, Anh, Úc, Malaysia...) và tổ chức 14 đoàn ra với 22 lượt người của Viện (đi Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kong, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Thái Lan, Micronesia, Hàn Quốc) theo lời mời và tài trợ của các tổ chức KOICA (Hàn Quốc), SEAFDEC, WWF, FAO...
Công tác xuất bản và quảng bá kết quả nghiên cứu cũng được quan tâm. Viện đã tham gia, giới thiệu 14 sản phẩm khoa học công nghệ tại Hội chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam năm 2015 (International Techmart Vietnam 2015)” diễn ra từ ngày 01-04/10/2015 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô,; tham gia “Hội chợ Trình diễn và kết nối Cung – Cầu Công nghệ khu vực Nam bộ 2015 (TechDemo 2015)” từ 05/11/2015 – 06/11/2015, tại Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đến thời điểm này, đã đăng được 62 bài báo, trong đó có 05 bài báo quốc tế, 01 số chuyên đề nghề cá biển trên tạp chí NN&PTNT vào tháng 12/20115 (với 24 bài báo khoa học được đăng tải) và 04 bản tin Viện hàng quý.
Công tác tổ chức cũng đã làm được khối lượng lớn công việc như triển khai thực hiện nghị định 16 của Chính phủ; Xây dựng, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm; Rà soát, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ các đơn vị; Kiện toàn nhân sự các đơn vị; Cải cách hành chính, phân cấp quản lý hiệu quả.
Công tác Tài chính – Kế toán tiếp tục hoạt động hiệu quả, theo sát nhiệm vụ của Viện. Xây dựng dự toán, chấp hành quyết toán đúng chế độ. Việc chi tiêu kinh phí bộ máy và kinh phí các nhiệm vụ được thực hiện đúng chế độ chính sách của Nhà nước. 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã phát biểu chỉ đạo và định hướng hội nghị: 1. Nguồn lợi ven bờ đã cạn kiệt, cần phải tổ chức lại khai thác (xa bờ, ven bờ). Vùng xa bờ cần xác định quy mô nghề cá hiệu quả, vùng ven bờ cần giảm áp lực khai thác, tiếp cận quản lý nghề cá cộng đồng; 2. Tổn thất sau thu hoạch là rất lớn, cần pháp làm gì để giảm thất thoát sau thu hoạch. 3. Giải pháp lao động nghề cá, nâng cao hiệu quả; 4. Phát triển mạng lưới Viện, Phân viện. Ông nhấn mạnh công tác nghiên cứu KHCN của Viện đã được thực hiện tốt, đội ngũ cán bộ tốt, đã đổi mới tư duy, tiếp cận các vấn đề KHCN, các vấn đề mới, bám sát yêu cầu của Bộ ngành, địa phương, gắn kết với ngư dân, địa phương rất tốt, tranh thủ được nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như 1) hiệu quả khai thác chưa cao: Năng suât thấp, công nghệ chậm đổi mới, thu nhập của ngư dân chưa được cải thiện đáng kể; 2) Tính bền vững không cao: Khai thác quá mức, mất cân đối ven bờ/xa bờ; suy thoái các hệ sinh thái. Phương hướng nhiệm vụ 2016-2020 cần căn cứ bối cảnh, lợi thế, thách thức của giai đoạn để điều chỉnh nhiệm vụ cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu hội nhập; căn cứ chủ trương tái cơ cấu ngành, đặc biệt là cơ chế đổi mới KHN để giải quyết được các nhóm vấn đề: 1) Các sản phẩm cần rà soát, hệ thống lại để đề xuất giải pháp cho ngành, quảng bá sản phẩm, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, đề xuất những vấn đề tiếp tục nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng và 2) tổ chức lại khai thác trên biển, phải công bố trữ lượng, sản lượng cho từng vùng biển, ngư trường, đề xuất phát triển bao nhiêu tàu cho từng vùng, tỉnh, nghề, phân cấp quản lý cho các địa phương cho hiệu quả.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đặt ra các nhiệm vụ cho Viện trong thời gian tới, trọng tâm là Nhóm I: khai thác hải sản: Nghiên cứu đề xuất phát triển nghề lưới vây đuôi; Đề án chuỗi cá ngừ có đề xuất, giải pháp hữu ích; Hạn chế, cấm nghề lưới kéo, lộ trình, chính sách chuyển đổi nghề nghiệp (tập trung ở Tây Nam Bộ, có thể phối hợp với Campuchia, Thái Lan); Vấn đề bảo quản trên tàu, giảm tổn thất trong khai thác, gia tăng giá trị và chất lượng; Dự báo ngư trường: Cập nhật công nghệ mới nhất, hướng tới dự báo tức thì; Ngư lưới cụ…Nhóm II: Bảo vệ nguồn lợi (Rà soát nhiệm vụ 47 để phê duyệt; Rà soát, điều chỉnh hệ thống khu bảo tồn biển (cấp Quốc gia, quốc tế, địa phương); vùng cấm, nghề cấm khai thác. Nhóm III: Tổ chức bộ máy: Rà soát để đề xuất với Bộ về tổ chức, chức năng nhiệm vụ; Rà soát lại chiến lược trình Bộ phê duyệt; Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu; Có tàu nghiên cứu: Cần tham mưu cho Bộ, phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Vụ HTQT để làm việc với JICA để xin tàu nghiên cứu; Có dự án ODA để tăng cường tiềm lực cho Viện.
         Hội nghị cũng được nghe những ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu tham dự  về công tác chuyên môn, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, công tác chính quyền, đoàn thể và phương hướng nhiệm vụ của Viện năm 2016, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
        Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Viện trưởng Nguyễn Quang Hùng thống nhất đánh giá năm 2015 Viện đã có những bước tiến mới, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những bước chuyển biến mạnh áp sát yêu cầu của Bộ; các nỗ lực gây dựng vị thế và tăng cường tiếng nói của Viện đã bước đầu mang lại hiệu quả. Toàn thể Viện đang thể hiện một không khí lao động, phấn đấu sôi nổi, khẩn trương hơn, chào đón năm 2016 thành công hơn nữa.
Đoàn Thu Hà.